Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII bắt đầu một tuần làm việc vào sáng nay, 4/10. Hội nghị dự kiến kéo dài tới hết 10/10. Một trong những nội dung sẽ được chờ đợi tại hội nghị lần này là cuộc thảo luận về vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội nghị Trung ương 6 dự kiến diễn ra trong 7 ngày, từ 4-10/10/2017.
Trong mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
Yêu cầu đề ra là tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định và điều chỉnh hợp lý hơn...
Thực tế, tổ chức bộ máy trong chính các cơ quan Đảng được xác định là chưa thật tinh gọn. Một số ban, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan chuyên môn của Nhà nước; còn một số tổ chức đảng không có chính quyền cùng cấp, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và không quyết định về công tác cán bộ nên vai trò lãnh đạo bị hạn chế.
Một số ban chỉ đạo còn có một số nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy ở các cấp vẫn còn cao và chất lượng không đồng đều, cơ cấu chưa thật hợp lý.
Hiệu quả lãnh đạo của một số cấp ủy còn hạn chế; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, nhất là ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn trọng yếu và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Cuộc giám sát do Quốc hội vừa tiến hành trong năm nay cũng chỉ ra vấn đề, tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa thực sự hợp lý; số bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tuy đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa được phân cấp mạnh mẽ; sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; hoạt động của bộ máy nhà nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả.
Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, Ban cán sự đảng Chính phủ đã được giao chuẩn bị Đề án về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đề án được xây dựng theo hướng đẩy mạnh tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.
Một đề án khác có liên quan sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 là về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Liên quan đến công tác nhân sự, với việc quyết định hình thức kỷ luật với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa qua, UB Kiểm tra Trung ương đã thống nhất đề nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Trung ương quyết định theo thẩm quyền. Tại Hội nghị lần này, Trung ương Đảng sẽ bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh.
Theo P.T/Dân trí