205
/
53815
191 quốc gia bầu Việt Nam giữ chức Chủ tịch đại hội đồng WIPO
191-quoc-gia-bau-viet-nam-giu-chuc-chu-tich-dai-hoi-dong-wipo
news

191 quốc gia bầu Việt Nam giữ chức Chủ tịch đại hội đồng WIPO

Thứ 3, 03/10/2017 | 07:27:07
753 lượt xem

Ngày 2/10, Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc kỳ họp lần thứ 49 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 191 quốc gia thành viên WIPO. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự WIPO lần này do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu.

Đại sứ Dương Chí Dũng tại cuộc họp Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Trong phiên họp đầu tiên, đại diện 191 quốc gia đã nhất trí bầu Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, giữ chức Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng là ứng cử viên đại diện cho các quốc gia thuộc Nhóm châu Á-Thái Bình Dương, khu vực từ hơn 12 năm nay chưa có đại diện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO.

Ông Dương Chí Dũng chia sẻ việc ông trúng cử Chủ tịch WIPO với sự ủng hộ tuyệt đối của 191 quốc gia thành viên cho thấy sự tin cậy và ủng hộ của các nước này với Việt Nam, một đất nước đang tích cực phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng với vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế, là kết quả của quá trình hoạt động, đóng góp tích cực của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và cá nhân Đại sứ vào các công việc chung của WIPO thời gian qua.

Bên cạnh đó, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh cần nhắc đến sự vận động tích cực của Phái đoàn Việt Nam đến mối quan hệ chặt chẽ, tình đoàn kết giữa các quốc gia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ủng hộ cho ứng cử viên Việt Nam. Ngoài ra, sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự kiện đáng tự hào này.

Đại sứ Dương Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam ứng cử và trúng cử Chủ tịch WIPO là tiếp tục thực hiện tích cực và chủ động chủ trương tăng cường, thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương của quốc gia, để Việt Nam không chỉ là thành viên tham gia có trách nhiệm mà còn là thành viên chủ động có những đóng góp tích cực và thiết thực vào các hoạt động cụ thể cũng như trong xây dựng chính sách, các quy định và luật chơi tại các tổ chức và diễn đàn đa phương.

[Việt Nam tăng 12 vị trí về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017]

Đại Hội đồng WIPO, ra đời năm 1967, là một trong 16 tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, do tiến sỹ Francis Gurry làm Tổng Giám đốc. WIPO có trách nhiệm thông qua các quyết sách quan trọng của tổ chức này, trong đó có việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc, xem xét và thông qua các báo cáo của Tổng Giám đốc và các báo cáo hoạt động của Ủy ban Điều phối, thông qua ngân sách hoạt động trong chu kỳ tài chính hai năm của các liên minh thuộc WIPO, xem xét và thông qua các biện pháp do Tổng Giám đốc đề xuất liên quan đến công tác quản lý các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ,...

Chủ tịch Đại Hội đồng sẽ điều khiển các kỳ họp Đại Hội đồng WIPO hàng năm trong nhiệm kỳ được bầu, theo đó dẫn dắt, định hướng thảo luận, quyết định việc biểu quyết các vấn đề và công bố các quyết định... Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Đại Hội đồng sẽ tổ chức các cuộc tham vấn với đại diện các nhóm khu vực, đại diện các nước thành viên của các nhóm khu vực để thảo luận, tìm giải pháp cho các vấn đề quan trọng, còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết trong khuôn khổ WIPO.

Hai năm tới là thời gian có nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với WIPO và hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới, cụ thể là sự phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ, của quá trình toàn cầu hóa, và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ có tác động lớn đến hệ thống sở hữu trí tuệ về quản lý và chính sách, trong đó có việc xây dựng chuẩn mực quốc tế để đáp ứng các nhu cầu, đòi hỏi mới về bảo hộ, sở hữu trí tuệ...

Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, WIPO phải tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại như đàm phán xây dựng các hiệp định quốc tế về bảo hộ nguồn gene, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống; Hiệp ước bảo hộ các tổ chức phát sóng, việc mở văn phòng đại diện của WIPO tại các nước thành viên...

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Sự trợ giúp của WIPO góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sáng tạo, ... đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) do WIPO, công bố hàng năm. Năm nay, Việt Nam xếp thứ 47 trong bảng xếp hạng GII, tăng 12 bậc so với năm 2016. WIPO đã và đang hỗ trợ Việt Nam về các biện pháp nhằm duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII trong những năm tiếp theo.

Trong quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với WIPO, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy với WIPO, thực hiện chức năng đầu mối liên hệ trực tiếp với WIPO để xử lý các vấn đề chuyên môn theo yêu cầu và chỉ đạo của các cơ quan chức năng một cách kịp thời và hiệu quả nhằm bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng./. 

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Từ khóa

Đề xuất tăng thuế thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những hệ lụy về bệnh tật và tử vong, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
08:34 - 23/11/2024
78 lượt xem

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cho 2 phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 2 phi công vụ rơi máy bay YAK-130 ở Bình Định.
14:10 - 22/11/2024
524 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới

Sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm và phát biểu tại Trường đại học quốc gia Malaya (MalaTrong khuôn khổ chuyến thăm...
14:08 - 22/11/2024
545 lượt xem

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với báo chí về 0%

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn, về mức 0% hoặc miễn thuế để cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ...
13:32 - 22/11/2024
546 lượt xem

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường để chống béo phì?

Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml, nhằm góp phần chống béo phì, bảo vệ...
11:19 - 22/11/2024
591 lượt xem