Tổ công tác của Thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi, biểu dương, đánh giá cao Bộ Công Thương trong 3 vấn đề, mới nhất là việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, “tích cực hơn mong đợi của Thủ tướng, của Tổ công tác”.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, Tổ công tác cũng truyền đạt nhiều tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng với Bộ Công Thương.
Thủ tướng khen Bộ 3 vấn đề
Ngày 22/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, dư địa cho tăng trưởng chính là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi năm, các doanh nghiệp tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động này.
“Chúng ta không thể buông lỏng quản lý Nhà nước nhưng phải xem xét thực tế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2017 là năm Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 3 vấn đề.
Trước hết, đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong tiệc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đây là một bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua, Bộ đã giảm được 5 đầu mối, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ, cần ghi nhận.
Thứ hai, Thủ tướng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, lập tổ công tác đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng xử lý, đưa giải pháp cho từng dự án, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án tính phương án bán, cổ phần hóa, phá sản…
Thứ ba, với quyết tâm cao nhất, ngày 21/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh.
“Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Trước đó, ngày 8/9, Bộ Công Thương đã quyết định xóa bỏ 420 mặt hàng trong danh mục 720 mặt hàng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan. Cùng với đó, Bộ có nhiều đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, áp dụng quản lý rủi ro.
“Đây là động thái rất tích cực, đòi hỏi làm công tác tư tưởng rất tốt. Việc kiểm tra này đã nhiều năm, chúng ta không thể bỏ kiểm tra, nhưng không vì lý do đó mà trói buộc doanh nghiệp. Các bộ kiểm tra rất nhiều, nhưng phát hiện cực kỳ ít, chỉ 0,06% lô hàng phát hiện vi phạm. Bộ Công Thương đã thấy được điều này, rất tích cực, với quyết tâm rất cao của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Thủ tướng giao thẩm quyền quyết định cho Bộ trưởng
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề yêu cầu Bộ cần tiếp tục làm tốt. Trước hết, tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ. Đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được Thủ tướng giao.
“Việc này không thể kéo dài mãi được. Dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thứ hai, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Trong việc này, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, bán bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại cho Nhà nước cao nhất, không tiêu cực, không lợi ích nhóm…
Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ: Nếu có vướng mắc thì Bộ Công Thương làm việc với các bộ, nhưng ngay cả khi không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng Công Thương, chứ không báo cáo Thủ tướng nữa.
Riêng với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết việc Bộ Công Thương loại bỏ 58% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành là “tích cực hơn mong đợi của Thủ tướng, của Tổ công tác”, nhưng còn một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Đây là những vấn đề chung của các bộ, trong đó có Bộ Công Thương.
Trước hết là tình trạng một mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản. Hướng cải cách là quy định một mặt hàng chịu sự điều chỉnh của ít văn bản nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hai là một mặt hàng chịu kiểm tra chuyên ngành của 2-3 bộ, thậm chí 1 bộ nhưng có 2 cơ quan cùng kiểm tra. Sắp tới, sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý theo hướng 1 mặt hàng chỉ giao 1 bộ chủ trì.
“Hải quan chỉ kiểm tra 6% số lô hàng, nhưng các bộ kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% số lô hàng. Thời gian kiểm tra của Hải quan chỉ chiếm 28% tổng số thời gian thông quan, nhưng kiểm tra chuyên ngành lên tới 72%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ thực tế.
Thứ ba là tình trạng kiểm tra chuyên ngành nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn kỹ thuật, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt. Cần thay đổi phương thức kiểm tra.
Thứ tư, tại các cửa khẩu đã lập nhiều điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, nhưng ngoài kiểm dịch động thực vật thì các hoạt động kiểm tra khác, doanh nghiệp vẫn phải mang sản phẩm về Hà Nội để kiểm tra.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương cần cố gắng kết nối giữa Trung tâm Dữ liệu quốc gia của Bộ với Hải quan và các bộ khác.
Doanh nghiệp "khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm” để bớt khổ
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Từ 1/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp đứng tên trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn. Bộ Công Thương đã làm tốt việc trả lời, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu ví dụ là kiến nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.
Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất 1 tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày nếu nhanh. Trong khi Hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.
Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp”.
Với kiến nghị này, Bộ Công Thương đã trả lời nhưng chưa thuyết phục được doanh nghiệp.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp “nhập viện” cũng rất lớn. Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” nhiều. Đây là tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về buổi kiểm tra tại Bộ Công Thương.
Theo Hà Chính/Chinhphu.vn