Mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang là chủ trương quan trọng của tỉnh nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) và Quy hoạch vùng Thủ đô, tiến tới xây dựng TP Bắc Giang trở thành đô thị loại I. Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang về vấn đề này.
Cử tri xã Dĩnh Trì bỏ phiếu về việc thành lập phường. Ảnh: Tuyết Mai.
Đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết của việc mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang?
TP Bắc Giang là một đô thị có lịch sử lâu đời, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bắc Giang, qua nhiều giai đoạn phát triển, điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay đã có 10 phường và 6 xã với diện tích tự nhiên 66,77 km2, dân số 154.604 người. Cùng với các ưu thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, TP Bắc Giang luôn nhận được quan tâm của tỉnh và hỗ trợ của các địa phương nên thời gian qua đã có sự phát triển nhanh, bền vững về KT-XH, không gian đô thị được mở rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) và Quy hoạch vùng thủ đô, trước mắt và những năm tới TP Bắc Giang vừa phải đồng thời củng cố các tiêu chí của đô thị loại II, vừa phải hướng tới đạt tiêu chí của đô thị loại I. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với yêu cầu nâng cao quy mô, chất lượng phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, trình độ quản lý xã hội... TP Bắc Giang trước hết phải đạt được tiêu chí về quy mô diện tích khoảng 150 km2 và dân số hơn 200 nghìn người.
Tuy nhiên, việc mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang không chỉ để bảo đảm tiêu chí diện tích, dân số của đô thị loại I, mà quan trọng hơn là việc tạo được không gian cho sự phát triển xứng tầm của một TP trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, TP vệ tinh của vùng Thủ đô. Việc mở rộng địa giới TP không chỉ vì phát triển riêng của TP mà thông qua sự phát triển này sẽ tạo điều kiện cho các huyện xung quanh cùng phát triển, người dân các xã sáp nhập về và vùng cận kề có cơ hội được hưởng thụ mức sống cao hơn, chất lượng hơn.
Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang là cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan, xu hướng tất yếu về phát triển đô thị, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển đô thị và phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang.
Chăm sóc hoa trồng trong nhà lưới ở xã Dĩnh Trì. Ảnh: Trịnh Lan.
Thưa đồng chí, việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Bắc Giang và một số huyện lân cận tác động như thế nào đến KT-XH của tỉnh?
Trên cơ sở nghiên cứu nhiều phương án điều chỉnh địa giới và đề xuất của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang thêm 5 xã, thị trấn của huyện Yên Dũng (Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân Liễu, Hương Gián, Tân Dân), 3 xã của huyện Lạng Giang (Thái Đào, Tân Dĩnh, Xuân Hương) và 1 xã của huyện Việt Yên (Tăng Tiến); chuyển 7 xã, thị trấn thành phường (Tân Mỹ, Tân Tiến, Dĩnh Trì, Song Khê, Tân Dân, Song Mai, Đồng Sơn), với phương án này TP sẽ có diện tích 144,3 km2 và hơn 231 nghìn người.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ có những tác động chung đối với cả tỉnh và riêng đối với TP Bắc Giang cũng như các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên. Trước hết, việc điều chỉnh địa giới sẽ mở rộng không gian phát triển cho TP, tính chất đô thị vì thế sẽ đa dạng, phong phú hơn, nhiều tiềm năng hơn. Việc mở rộng địa giới sẽ có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP và các huyện. Bởi quá trình hình thành và phát triển đô thị không chỉ gắn liền với phát triển công nghiệp mà còn gắn với phát triển hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa; thúc đẩy kết nối vùng nội thị với ngoại thị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân.
Khi điều chỉnh địa giới TP sẽ không làm tăng đơn vị hành chính cấp xã, phường nhưng việc chuyển các đơn vị cấp xã về TP sẽ tạo cơ hội cho các địa phương này chuyển đổi sang mô hình quản lý của chính quyền đô thị, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và điều kiện hoạt động của chính quyền được nâng lên, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn.
Việc mở rộng địa giới sẽ tạo thuận lợi cho bảo vệ môi trường bền vững, đa dạng sinh thái, tránh việc đô thị hoá mật độ quá cao ở vùng trung tâm, có quỹ đất cho xây dựng các dịch vụ môi trường đô thị. Đồng thời, việc mở rộng này sẽ tạo điều kiện về mặt xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh bảo đảm cho TP phát triển bền vững và đồng bộ hơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mở rộng địa giới TP cũng cần phải lưu ý điều chỉnh những tác động về tâm lý, tình cảm của người dân; kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển không chỉ của TP mà của cả các huyện cho phù hợp với điều kiện mới. Đặc biệt phải hết sức quan tâm đến những tác động của quá trình đô thị hoá đối với những xã sáp nhập về TP, xã chuyển thành phường, đó là những vấn đề về gia tăng dân số, chuyển đổi nghề nghiệp, quản lý sử dụng đất, thu hồi đất, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự công cộng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Xin đồng chí cho biết kết quả bước đầu và nhiệm vụ thời gian tới của BCĐ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang?
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Kết luận về chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính TP Bắc Giang và các huyện, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND TP Bắc Giang và các huyện; ban hành Quyết định số 1368/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (BCĐ 1368) với 21 thành viên là giám đốc các sở ngành, chủ tịch UBND TP Bắc Giang, các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, theo đó TP Bắc Giang và các huyện cũng đã thành lập BCĐ và tổ công tác. BCĐ và tổ công tác đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để triển khai thực hiện ngay từ đầu tháng 8.
Đến nay, sau hơn một tháng tổ chức thực hiện, nhìn chung kết quả đạt được bảo đảm tiến độ đề ra. Về cơ bản các huyện và TP Bắc Giang đã thực hiện xong công tác quán triệt và triển khai đến cơ sở; tổ chức tuyên truyền bằng tài liệu và qua báo, đài của tỉnh; tổ chức hướng dẫn trình tự, thủ tục, biểu mẫu, thống kê số liệu; lựa chọn tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch chung, lập Đề án; UBND TP Bắc Giang đã xong cơ bản dự thảo Đề án và in gửi phục vụ việc lấy ý kiến cử tri; từ ngày 27 đến ngày 31 - 8 tổ chức lấy ý kiến cử tri của 9 xã, thị trấn sáp nhập về TP, 7 xã chuyển thành phường, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt gần 99%, kết quả có 80,47% cử tri tán thành việc sáp nhập, 91,35 % cử tri tán thành chuyển xã thành phường. Như vậy có thể thấy nhân dân đã nhất trí rất cao với chủ trương điều chỉnh địa giới của TP Bắc Giang và các huyện.
Thời gian tới, BCĐ 1368 tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung: xin ý kiến HĐND cấp xã, cấp huyện xong trước ngày 15 - 9; hoàn thành cơ bản nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP, hoàn thiện Đề án điều chỉnh địa giới trước ngày 30 - 9; tổ chức xin ý kiến các bộ ngành T.Ư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt trước ngày 30 - 11 - 2017.
Mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang là nhiệm vụ quan trọng, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi quy trình thực hiện chặt chẽ, dân chủ, UBND tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị và nhân dân để công tác này được triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Kim Hiếu/BGĐT (thực hiện)