Thời gian qua, các hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chưa có cơ chế nào giải quyết bức xúc của người dân.
Việc nhiều người dân, tài xế liên tục phản đối khi đi qua trạm thu phí hoặc có những cách thức đối phó mà điển hình là ở Trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có thể chưa phải là kết thúc nếu như những yêu cầu, đòi hỏi nghiêm túc của người dân chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; chưa có cơ chế nào giải quyết bức xúc, rủi ro của người dân và xã hội.
Trạm Thu phí Cai Lậy hoạt động mới khoảng 2 tuần đã phải tạm ngưng hoạt động
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai sót, bất hợp lý như đặt sai vị trí, giá phí quá cao tại các trạm BOT. Vì vậy, để các dự án BOT thật sự là “bà đỡ” cho sự phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề đặt ra là cần có sự công khai, minh bạch trong các dự án BOT.
Đây là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết của người dân. Khi đó, người dân sẽ sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn về điều kiện hạ tầng của đất nước.
Những tiếng reo hò mỗi khi Trạm thu phí Cai Lậy “thất thủ” thiết nghĩ là tiếng chuông cảnh tỉnh; là sự đau đớn, cần nhìn lại mình của cơ quan có trách nhiệm khi một quyết định được thực thi nhưng chưa có được sự đồng tình của người dân.
Tại ĐBSCL, trong thời gian gần đây, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo mà trước đó, nhà nước đã đầu tư cơ bản. Cho đến khi trạm thu phí mọc lên, người dân được đưa vào tình thế là không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, đây là hình thức “cưỡng bức” sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua. Bởi người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Điều hiển nhiên, những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân qua Quỹ bảo trì đường bộ. Nay, với hình thức đầu tư BOT, cũng chính trên con đường này, người dân lại phải đóng phí khi qua lại mỗi ngày. Vì thế, theo ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp Hội vận tải tỉnh Tiền Giang, xu thế phát triển BOT trong lĩnh vực đường bộ cần được thực hiện mới hơn.
Ông Liêm cho biết: “Để BOT có hiệu quả thực sự và làm cho các bên tham gia có lợi ích hài hòa Nhà nước tổ chức BOT phải xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững trước khi có khả năng về kinh tế và hạ tầng đó mới thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển. Lợi thứ hai là nhà đầu tư bỏ tiền thì đương nhiên được lợi”.
Một sự thật được phơi bày cho thấy, thời gian qua, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT cũng còn nhiều bất cập. Khi đa số các dự án BOT giao thông vừa qua là chỉ định thầu “do nhu cầu cấp bách” mà rất hiếm trường hợp trúng do đấu thầu.
Nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh do phương tiện né trạm thu phí.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Vì thế, đây rõ ràng là yếu tố làm thiếu đi sự cạnh tranh công bằng. Những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ là thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Cần Thơ: nếu thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai mọi việc sẽ diễn tiến thuận lợi; hiệu quả mang lại tốt hơn. Còn đối với những điểm nóng BOT vừa qua, địa phương và Trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, có giải pháp tháo gỡ kịp thời bằng những hành động kiên quyết.
Ông Toại nhấn mạnh: “Chính phủ, các bộ ngành cần có sự xem xét lại tránh những trường hợp trong các dự án đầu tư BOT này có nhóm lợi ích nào đó sẽ làm ảnh hưởng và người dân sẽ gồng gánh thêm những chi phí chưa thật hợp lý”.
Nói về việc chịu trách nhiệm chính với các bất cập ở dự án BOT, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: các cơ quan Nhà nước tham gia trong lĩnh vực này, nhất là Bộ Giao thông Vận tải phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Còn những sai phạm cục bộ của các bên tham gia, chắc chắn, phải xử lí rất nghiêm, để thông tin phải minh bạch.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm, chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích được lợi. Mặt khác, chuyên gia kinh tế này cũng nêu rõ vai trò của người dân trong những tình huống như vậy là rất quan trọng.
“Trong tình hình vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, nhiều tỉnh ĐBSCL chưa có kết dư, chưa thu được ngân sách nhiều cần phải cân nhắc để có những dự án đầu tư dạng này. Song cần giảm cái gọi là phong trào BOT. Công việc thực hiện phải công khai, minh bạch và nghiêm túc. Chúng ta phải có sự giám sát của Quốc hội, HĐND, các tổ chức quần chúng. Người dân phải có tiếng nói đối với trạm thu phí đặt ở đâu, ai đóng và ai không phải đóng. Đây là điều rất quan trọng”.
Liên quan đến vấn đề này, gần đây tại buổi làm việc với Thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận những ý kiến kiến nghị của nhà đầu tư BOT trên địa bàn thành phố và ý kiến đóng góp các giải pháp để đưa công trình BOT trên địa bàn khai thác tốt tiềm năng, bên cạnh là các giải pháp hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư, chính quyền và nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ: “Việc phối hợp yếu, xe tránh trạm, hạ tầng đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn làm thất thoát lượng tài sản rất lớn; đồng thời tạo ra sự bức xúc cho người dân ở nơi sở tại, làm giảm khả năng thu hút đầu tư. Bộ GTVT cùng với nhà đầu tư phải có giải pháp ngay sau khi phát hiện. Chúng ta cần phải đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và người dân có dự án đi qua.
Cai Lậy tiếp tục là trạm có thu phí BOT vấp phải sự phản đối của người dân đã phải điều chỉnh phương án thu phí và chưa biết khi nào hoạt động trở lại.
Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp hữu hiệu đối với các dự án triển khai theo hình thức BOT đầu tiên chính là sự minh bạch thông tin về dự án cũng như các phương án tài chính. Sự minh bạch thứ hai chính là minh bạch trong đấu thầu để có nhiều nhà đầu tư tham gia, trong đó ưu tiên các điều kiện có lợi hơn cho người dân. Đặc biệt, Bộ GTVT nên đóng vai trò là trọng tài điều tiết thị trường, hơn là đứng về phía nhà đầu tư. Đó là điều tiết thị trường giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng, bảo vệ nhiều hơn lợi ích của người tiêu dùng, người dân và doanh nghiệp đang ngày có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước./.
Theo Thanh Tùng – Phan Ánh - Nhật Trường/VOV-ĐBSCL