Quy định người bệnh diện BHYT được hoàn tiền khi phải tự mua thuốc, vật tư được đại diện Bộ Y tế cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn
Hội thảo phổ biến Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế tổ chức sáng 30-10, tại TP Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện, ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế không chỉ thiếu thuốc hiếm mà một số thuốc thông thường như Diazepam, Fantanyl, Albumin… vẫn thiếu do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ngoài ra, có khoảng 20% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục được BHYT chi trả. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề mà Thông tư 22 chưa bao quát hết.
Phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, bà Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Việt Đức, nhìn nhận các thuốc bị thiếu tại bệnh viện đa phần không thuộc danh mục thuốc hiếm. Bệnh viện cũng không thể chuyển viện bệnh nhân vì bệnh viện là tuyến cuối, chuyên sâu, bệnh nhân đến đa phần là bệnh nặng.
Bà ví dụ ngày 18-10 vừa qua, bệnh viện mở gói thầu nhưng có đến 30 loại thuốc không có đơn vị nào đấu thầu, trong khi đây đều là những thuốc liên quan đến sự sống còn của bệnh viện, như Fentanyl (thuốc giảm đau), Midazolam, Diazepam (thuốc an thần)… Hiện bệnh viện vẫn còn hàng tồn với các mặt hàng này nên sẽ tiếp tục đấu thầu lại.
"Năm 2022, bệnh viện gặp vướng mắc khi không có đơn vị nào dự thầu Albumin (thuốc tăng thể tích huyết tương) trong điều trị, thuốc này không nằm trong danh mục thuốc hiếm. Thuốc có nhiều đơn vị cung ứng nhưng do đứt gãy nguồn cung ứng nên họ có thể bán ra ngoài mà không bán vào bệnh viện vì không thể đáp ứng có hàng liên tục" - đại diện bệnh viện này thông tin thêm.
Trước thực tế này, lãnh đạo Vụ BHYT - Bộ Y tế nêu vấn đề lãnh đạo bệnh viện có quyền quyết định với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng để bảo đảm thuốc và vật tư cho người bệnh? Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho rằng với đặc thù về bệnh tật, có những loại thuốc/vật tư với chi phí 50 triệu đồng chỉ đủ điều trị cho hơn một bệnh nhân. Vì thế, với một mặt hàng, kinh phí đấu thầu của bệnh viện thường lên tới vài tỉ đồng.
Người bệnh rất khó khăn khi nguồn cung nhiều loại thuốc và vật tư y tế bị đứt gãyẢnh: HẢI YẾN
Thực tế thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bệnh nhân T.N.L - 75 tuổi, đang điều trị ung thư tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP Hà Nội - cho biết trong lần tái khám gần nhất ông đã phải tự bỏ tiền túi ra mua một liều thuốc tiêm có giá 3 triệu đồng do bệnh viện hết thuốc, trong khi nếu có thuốc thì ông được BHYT thanh toán 95%.
"Bác sĩ giải thích có thể chuyển sang bệnh viện khác để điều trị tiếp nhưng liệu rằng khi tôi chuyển viện thì bệnh viện còn thuốc điều trị hay không" - bệnh nhân L. băn khoăn. Tương tự, một nữ bệnh nhân bị suy tim cho biết bà phải uống thuốc hằng ngày nhưng nhiều tháng nay đều phải mua thuốc ở ngoài. Bệnh viện cho biết thuốc điều trị suy tim không có nguồn cung từ nhiều tháng nên bệnh viện không thể đấu thầu.
Để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân, theo Thông tư 22, các trường hợp quỹ BHYT hoàn tiền cho bệnh nhân đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài phải là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D (như máy thở, van tim, tấm cố định xương…), bệnh viện thiếu thuốc vì lý do bất khả kháng; bệnh nhân nặng hoặc đang điều trị tuyến cuối không thể chuyển viện…
Lý giải việc chỉ chọn danh mục thuốc hiếm để thanh toán trực tiếp cho người bệnh, bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết các thuốc thiếu do cơ sở y tế không mua sắm, không cung ứng được hầu hết rơi vào nhóm thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc ít nguồn cung trên thị trường. Hiện danh mục thuốc hiếm được quy định trong Thông tư 26 có hơn 450 hoạt chất được thanh toán, chiếm gần một nửa danh mục các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. "Dù được gọi là thuốc hiếm nhưng tổ hợp các sản phẩm được thanh toán trực tiếp này không phải là nhỏ" - bà Nữ Anh nói.
Để giảm thiểu những phiền hà cho người bệnh, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết trong quá trình xây dựng chính sách, cũng có ý kiến cho rằng thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh.
Cơ quan BHXH cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Trong 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán, phải hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh.
Về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết nếu để người bệnh tự cầm hóa đơn, hồ sơ đi thanh toán cũng rất rủi ro và mất thời gian. Trong trường hợp sau khi nhận hồ sơ và giám định nếu không đạt yêu cầu thì người bệnh cũng không được hoàn tiền.
Do đó, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng tốt nhất bệnh viện nên thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi họ làm thủ tục xuất viện. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất Bộ Y tế cần sớm cập nhật danh mục thuốc hiếm, bởi lần bổ sung danh mục thuốc hiếm gần nhất là năm 2019. Trong gần 5 năm qua, các thoại thuốc này đã có nhiều thay đổi.
Làm rõ những lo ngại khi có sự chênh lệch giữa giá thuốc BHYT thanh toán và thuốc, vật tư mua ngoài, bà Trần Thị Trang cho rằng thông tư này chỉ để giải quyết tình huống, nhằm phần nào bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, bù đắp một phần chi phí người bệnh tự bỏ ra chứ không phải bảo đảm toàn bộ. Vì thế, người bệnh có thể chịu thiệt thòi một chút khi có sự chênh lệch về giá giữa thuốc bán tại cơ sở bán lẻ và do cơ quan BHXH thanh toán.
"Thanh toán trực tiếp không phải là giải pháp khuyến khích. Bộ Y tế không mong muốn thực hiện thông tư này nhưng vẫn phải ban hành để khắc phục những điều bất khả kháng. Đây mới chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn, cấp bách. Cơ sở y tế phải có trách nhiệm cung ứng thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh" - bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết Thông tư 22 nêu rõ trường hợp nào được kê đơn, kê đơn phải đúng quy định của pháp luật, chỉ được kê đơn thuốc nằm trong danh mục BHYT chi trả và trong danh mục thuốc đấu thầu của bệnh viện nhưng đã hết và phải làm các thủ tục đấu thầu, chưa có ngay thuốc cho người bệnh. Người đứng đầu bệnh viện cần cập nhật thuốc còn thiếu để bác sĩ kê đơn biết và hướng dẫn cho người bệnh để họ mua thuốc sử dụng và thuận tiện thanh toán sau này.
Bất đắc dĩ mới phải kê đơn cho người bệnh mua ngoàiTheo bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, bất đắc dĩ mới phải kê đơn cho người bệnh BHYT mua ngoài bệnh viện do quy trình cũng rất phức tạp vì mỗi loại thuốc thanh toán với cơ quan bảo hiểm bệnh viện phải làm một bộ hồ sơ để chứng minh thuốc hay vật tư này bị thiếu. Như vậy, cùng một thời điểm, nếu bệnh viện thiếu 5-10 loại thuốc, sẽ phải làm từng đó hồ sơ giải trình với các trường hợp này. Ngoài ra, có thể thuốc hay vật tư mua ngoài có giá chênh lệch với thuốc đấu thầu trong bệnh viện, nên khi kê đơn cho bệnh nhân mua ở ngoài thì cần giải thích rõ để tránh thắc mắc. |
https://nld.com.vn/hoan-tien-khi-tu-mua-thuoc-la-giai-phap-tinh-the-196241030211650933.htm