205
/
170686
Đề xuất dành 256.000 tỉ đồng để phát triển văn hóa đến năm 2035
de-xuat-danh-256-000-ti-dong-de-phat-trien-van-hoa-den-nam-2035
news

Đề xuất dành 256.000 tỉ đồng để phát triển văn hóa đến năm 2035

Thứ 3, 08/10/2024 | 10:37:09
170 lượt xem

Chính phủ đề xuất huy động hơn 256.000 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Đề xuất dành 256.000 tỉ đồng để phát triển văn hóa đến năm 2035- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Sáng 8-10, tiếp tục Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (gọi tắt là Chương trình).

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Trong đó gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp ít nhất là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác: khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025-2035 và chia làm 3 giai đoạn với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam…

Đến năm 2030 phấn đấu: 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa…

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cơ bản nhất trí với mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Trong khi đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách có ý kiến, tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Theo Văn Duẩn/NLĐO

https://nld.com.vn/de-xuat-danh-256000-ti-dong-de-phat-trien-van-hoa-den-nam-2035-196241008091136961.htm

  • Từ khóa

Tổng LĐLĐ Việt Nam lý giải lý do giữ mức phí công đoàn 2%

Việc giữ quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động được thực hiện từ...
15:46 - 08/10/2024
58 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

Sáng 8/10, ngay sau khi tới Thủ đô Vientiane, Lào để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp...
15:07 - 08/10/2024
65 lượt xem

Những bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm...
10:36 - 08/10/2024
171 lượt xem

Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp

Việt Nam và Pháp đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
08:00 - 08/10/2024
246 lượt xem

Bộ Công an đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và hơn 260 mẫu ADN

Theo Bộ Công an, đến nay công an cả nước đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ căn cước. Cùng với đó, toàn quốc đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và...
19:14 - 07/10/2024
582 lượt xem