Tại chương trình 'Ngày hội Văn hóa vì hòa bình' chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội năm 1954 được tái hiện hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sáng 6.10, TP.Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình". ẢNH: QUỲNH ANH
Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh…
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng nhiều lãnh đạo T.Ư và TP.Hà Nội đã dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ. ẢNH: QUỲNH ANH
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội. ẢNH: QUỲNH ANH
Đặc biệt, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân thủ đô cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Hà Nội qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của thủ đô...
Theo ông Thanh, "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.
"Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay.
Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thủ đô", ông Thanh phát biểu.
Màn thực cảnh tái hiện “Ngày về chiến thắng” về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng. ẢNH: QUỲNH ANH
Tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho biết Hà Nội với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng.
Bà Pauline Tamesis khẳng định danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận thành phố là "Thành phố sáng tạo" vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của thành phố trong việc tái tạo chính mình qua từng năm. Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.
Hình ảnh tái hiện đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô. ẢNH: QUỲNH ANH
Điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10.10.1954, khi Quân đội Việt Nam tiếp quản thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân.
Người dân reo hò, vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân về tiếp quản thủ đô. ẢNH: QUỲNH ANH
Khoảnh khắc hào hùng được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa.
"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô và 25 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" của UNESCO. ẢNH: QUỲNH ANH
Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản thủ đô, hay cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10.10.1954, được tái hiện, mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả.
Theo Nguyễn Trường/Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-hien-hinh-anh-doan-quan-tiep-quan-ha-noi-mung-ngay-giai-phong-thu-do-185241006103954991.htm