205
/
165875
Cần luật hóa quy định về thuốc hiếm
can-luat-hoa-quy-dinh-ve-thuoc-hiem
news

Cần luật hóa quy định về thuốc hiếm

Thứ 2, 24/06/2024 | 10:27:50
2,070 lượt xem

Người bị ngộ độc botulinum, rắn độc cắn... phải có thuốc hiếm, nếu không tỉ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên thuốc này rất khan hiếm, chỉ số ít bệnh viện tuyến cuối mới chủ động tìm kiếm nhà sản xuất ở nước ngoài và chi số tiền lớn mua dự trữ.

Nhiều bệnh viện tại TP.HCM hết huyết thanh kháng nọc rắn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù rất khó mua, giá thành đắt đỏ nhưng các bệnh viện buộc lòng phân hủy chúng nếu không có bệnh nhân cần đến. Vậy phải làm sao để bệnh viện tránh lãng phí, có nguồn thuốc ổn định?

Khi bệnh viện dự trữ thuốc hiếm mà không có bệnh nhân sử dụng thì khả năng thuốc hết hạn rất cao, buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên nếu nói điều này gây lãng phí thì theo tôi không đúng, vì ý nghĩa của việc dự phòng cao hơn so với số tiền bệnh viện bỏ ra mua thuốc nhưng không cần dùng đến.

Cần luật hóa quy định về thuốc hiếm- Ảnh 2.Ông PHẠM THANH VIỆT (phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy)
Có thuốc hiếm, tỉ lệ cứu sống đạt gần 100%

Đã có rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, ngộ độc botulinum, nấm độc... được cứu sống nhờ truyền các loại thuốc quý hiếm (huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc giải độc tố botulinum...).

Những trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với khoảng thời gian chạy chữa rất ngắn. Có người bệnh vào bệnh viện tuyến tỉnh nhưng không có thuốc hiếm, được các bệnh viện tuyến cuối cấp tốc điều chuyển thuốc về.

Gần nhất là trường hợp bé gái 11 tuổi (ngụ tỉnh Kiên Giang) được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cứu sống sau khi truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc vì bị rắn độc cắn ở vùng cổ chân phải, nguy kịch. Sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh, bé tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cứu sống hai trẻ nghi ngộ độc botulinum sau ăn tiệc tất niên nhờ dùng thuốc giải độc tố botulinum. Hay Bệnh viện Chợ Rẫy đã truyền 10 lọ huyết thanh cứu sống người đàn ông 30 tuổi bị rắn hổ chúa cắn vào tay. Các bác sĩ nơi đây cũng từng mang thuốc giải độc và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại Quảng Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Văn Quang, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho hay đơn vị là số ít bệnh viện trên cả nước luôn dự trữ sẵn nguồn thuốc hiếm với số lượng đủ dùng.

"Nếu bệnh nhân cần thuốc hiếm mà không có thuốc thì bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn, dù đã có những biện pháp hỗ trợ khác. Chúng tôi sẽ vô cùng áy náy nếu bệnh nhân tử vong vì không có thuốc. Còn khi có thuốc thì việc điều trị trở nên rất dễ dàng, bệnh nhân có thể cứu sống với tỉ lệ gần như 100%", PGS Quang chia sẻ.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Phạm Thanh Việt, phó giám đốc của bệnh viện, cho biết đơn vị thỉnh thoảng tiếp nhận các ca ngộ độc botulinum, rắn độc cắn... tại TP.HCM và ở tỉnh chuyển đến phải dùng thuốc hiếm.

Tuy nhiên, thuốc hiếm rất ít công ty sản xuất (chủ yếu ở nước ngoài) và ít bệnh nhân cần đến nên giá thành của chúng rất cao. Điển hình như một lọ thuốc botulinum mà Bệnh viện Chợ Rẫy mua là hơn 155 triệu đồng.

Bệnh nhân điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mua đã khó, dự trữ và bảo quản càng khó hơn

Để thống kê số lượng thuốc hiếm bệnh nhi có thể cần dùng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS Quang cho hay hằng năm, khoa cấp cứu và khoa hồi sức tích cực - chống độc sẽ đề xuất ban giám đốc những loại thuốc hiếm cần có để dự phòng điều trị cho bệnh nhân. Sau khi thông qua hội đồng thuốc, khoa dược có nhiệm vụ tìm kiếm, liên hệ các công ty sản xuất thuốc quý hiếm mua với số lượng nhỏ lẻ.

Theo đó, thuốc hiếm trong hồi sức cấp cứu thường là các thuốc giải độc, gồm huyết thanh kháng nọc rắn (rắn hổ đất, rắn chàm quạp, rắn lục, rắn hổ đa giá gồm: cạp nong, cạp nia, hổ chúa...); thuốc giải độc cyanure (ngộ độc khoai mì cao sản, nước rửa vàng NaCN); thuốc Methylene Blue điều trị MetHemoglobin...

"Tuy nhiên điều khó khăn lớn nhất kéo dài nhiều năm nay là khi bệnh viện có thuốc hiếm nhưng chưa chắc đã dùng chúng nên bị quá hạn sử dụng, buộc tiêu hủy... Do đó cần làm sao để nguồn thuốc quý này phải được cung cấp ổn định", PGS Quang nói.

Trong khi đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Việt cho biết hiện bệnh viện không tổ chức đấu thầu mà chỉ mua và nhập thuốc hiếm từ những công ty sản xuất ở nước ngoài. Để giảm kinh phí, bệnh viện vận động thêm các nhà tài trợ. Tuy nhiên đây không phải là phương án bền vững.

Về việc dự trữ cơ số thuốc hiếm tại bệnh viện được tính toán dựa vào số bệnh nhân của năm trước cần dùng. Theo đó, số thuốc hiếm của năm nay thường nhiều hơn vài lọ so với năm trước. Trong trường hợp bệnh viện sử dụng gần hết thì phải lên kế hoạch mua thêm theo phương án gối đầu, tránh trường hợp có bệnh nhân cần dùng thuốc hiếm nhưng bệnh viện không có.

GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thêm một số thuốc hiếm có những hạn chế trong bảo quản và thời gian hiệu lực của chúng vì bản chất cấu tạo của thuốc chứa hàm lượng protein cao.

Trong hoàn cảnh như vậy, muốn có sẵn các thuốc hiếm phục vụ điều trị cấp cứu, cần có kế hoạch định kỳ sản xuất một lượng nhất định và bảo quản trong các điều kiện nhất định. Khi hết hiệu lực thì phải hủy và lại sản xuất thay thế, nếu không sản xuất thường xuyên và định kỳ thì sẽ sinh ra hiếm.

Cũng theo GS Hùng, khó khăn nhất trong sản xuất và duy trì sự thường trực của các thuốc này lại là nguồn tài chính. Các nhà sản xuất tư nhân không mặn mà với việc này vì thuốc khó bảo quản và thời gian hiệu lực ngắn, dễ bị hủy bỏ khi hết hiệu lực và việc sử dụng lại không thường xuyên như các bệnh khác nên tiêu thụ chậm, khả năng thu hồi vốn và lời lãi không cao.

Không có thuốc giải độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) phải thay huyết tương để cứu bệnh nhân ngộ độc patê chay (ảnh chụp tháng 3-2021) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không có thuốc giải độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) phải thay huyết tương để cứu bệnh nhân ngộ độc patê chay (ảnh chụp tháng 3-2021) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cần văn bản quy phạm pháp luật về thuốc hiếm

Trước những khó khăn và vướng mắc trên, GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng cần có những văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến các vấn đề gồm: nhận dạng và định danh thuốc hiếm, ai chịu trách nhiệm sản xuất, bảo quản và cung ứng các loại thuốc hiếm (Nhà nước hay các công ty tư nhân)? Giá cả thế nào là phù hợp?

Bên cạnh đó cũng cần làm rõ người bệnh hay ai sẽ chi trả khi sử dụng các thuốc này? Nếu BHYT chi trả thì cơ chế thế nào để thuốc phải có sẵn và có ngay kịp thời cho cấp cứu?

"Theo tôi, đây là một vấn đề đặc thù và không cần một luật riêng chi phối. Bởi vì ra quá nhiều luật khó tránh khỏi sự không đồng bộ hoặc khập khiễng giữa các luật", ông Hùng nêu quan điểm.

Ông Lê Ngọc Danh, trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho hay Luật Dược hiện hành đã quy định chính sách thuốc hiếm và Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục thuốc hiếm nên không cần thêm luật thuốc hiếm.

Trước việc sản xuất thuốc hiếm hầu như chỉ có trên thế giới bởi nhu cầu trong nước rất thấp khiến nhà kinh doanh không mặn mà, ông Danh đề xuất với những loại thuốc hiếm (như thuốc điều trị ngộ độc botulinum) không có sẵn tại Việt Nam, Nhà nước cần có quy định giao cho một đơn vị nghiên cứu trong nước đứng ra sản xuất các loại thuốc hiếm có thể điều chế được để phục vụ nhu cầu trong nước.

Còn với những loại thuốc hiếm không sản xuất được, cần thành lập các đơn vị dự trữ quốc gia về thuốc hiếm, theo nghị quyết 30 năm 2023 đã giao cho Cục Quản lý dược thành lập những cơ sở này.

"Thuốc hiếm mua về để dự trữ, cơ hội sử dụng cũng thấp, có thể phải hủy bỏ nên các cơ sở y tế rất lo ngại trong mua sắm và cũng ảnh hưởng kinh phí hoạt động của bệnh viện. Kinh phí mua thuốc hiếm vì vậy cần huy động từ nguồn lực Nhà nước hoặc nguồn lực xã hội để đảm bảo có thuốc, tránh nguy cơ lãng phí", ông Danh nhấn mạnh.

Thuốc hiếm là gì?

GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thuốc hiếm được hiểu là những loại thuốc cần cho việc điều trị bệnh nhân bị các bệnh hiếm gặp và các bệnh nguy kịch, nếu thiếu chúng sẽ ảnh hưởng nguy cấp đến sinh mạng người bệnh (do chúng có tính điều trị đặc hiệu cao, tức là chỉ có nó mới chữa khỏi căn bệnh).

Nhưng do những bệnh này ít xuất hiện nên các hãng dược phẩm ít sản xuất thuốc hay do bản chất, đặc tính của thuốc mà việc bảo quản chúng rất khó khăn và thời gian hiệu lực của chúng ngắn nên không có sẵn ở nhiều cơ sở chữa bệnh. Không được đánh đồng với tình trạng thuốc hiếm do đầu cơ tích trữ gây khan hiếm vì mục đích lợi nhuận, phi đạo đức.

Cần có 3 trung tâm dự trữ thuốc hiếm đặt tại 3 miền

Là thành viên của Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, PGS Phạm Văn Quang chia sẻ hội từng đề xuất thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm đặt tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (miền Bắc) và Bệnh viện Chợ Rẫy (miền Nam) để có thể kịp thời cung cấp thuốc giải độc quý hiếm cho các bệnh nhân ngộ độc nặng... Lúc này, các công ty sẽ nhập thuốc hiếm về và chúng ta dễ dàng thực hiện đấu thầu, đảm bảo nguồn cung ổn định.

Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề xuất cả nước nên có 3 trung tâm dự trữ thuốc hiếm đóng tại 3 miền để dễ dàng vận chuyển thuốc hơn. Còn nếu để cơ quan quản lý nhà nước dự trữ chung thì thủ tục hành chính phức tạp hơn khi có bệnh nhân cần thuốc.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình):

Luật hóa thuốc hiếm là hết sức cần thiết

Việc quy định dự trữ thuốc hiếm cần luật hóa là hết sức cần thiết. Luật Dược hiện hành đã có quy định Nhà nước thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc và nguyên liệu làm thuốc để sử dụng trong các trường hợp phòng chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm gặp; thuốc không sẵn có... Tuy nhiên việc thực hiện luật chưa thực sự được quan tâm, điển hình qua vụ ngộ độc botulinum vẫn không có sẵn thuốc để cấp cứu người bệnh.

Do đó, luật sửa đổi lần này cần có quy định đầy đủ chi tiết hơn chứ không phải chỉ nêu lên để đấy. Theo đó cần có quy định xem dự trữ như nào? Ai dự trữ và đương nhiên khi đã dự trữ quốc gia phải có đặc thù riêng (cơ chế mua, nguồn mua).

Đặc biệt cần quy định rõ nếu không sử dụng phải hủy là việc bình thường chứ không phải lúc đấy lại nói đến lãng phí, gây sự hoang mang cho cơ quan quản lý, cơ sở y tế khi mua dự trữ thuốc.

Mặt khác việc dự trữ bên cạnh thuốc hiếm cần dự trữ cả thuốc mồ côi. Đây là những thuốc ít dùng nhưng không có thì bệnh nhân sẽ tử vong, vì lượng dùng rất ít và thậm chí giá thành rất rẻ nên ít công ty nhập khẩu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM):

Có luật nhưng thực tế vẫn chưa được triển khai

Việc dự trữ quốc gia về thuốc hiếm đã được quy định rõ trong điều 3 Luật Dược 2016. Cụ thể, Nhà nước thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc và nguyên liệu làm thuốc để sử dụng trong phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm gặp và thuốc không sẵn có.

Mặc dù có luật nhưng thực tế vẫn chưa được triển khai, ngay cả khi đã xảy ra các vụ việc thiếu thuốc khẩn cấp, gây hậu quả chết người vì các thuốc này sử dụng ít. Thế nhưng không thể không có chúng. Các bệnh viện rất khó mua lẻ, dự trữ, mới cần đến Nhà nước tổng hợp nhu cầu và dự trữ. Đây là trách nhiệm triển khai luật của Bộ Y tế, nếu luật cứ ra rồi để đó thì sửa luật làm gì.

Câu chuyện dự trữ thuốc hiếm ở Thái Lan
Các nhân viên y tế trích xuất nọc rắn ở trung tâm nghiên cứu tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Matthunphoto

Các nhân viên y tế trích xuất nọc rắn ở trung tâm nghiên cứu tại Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Matthunphoto

Năm 2010, Thái Lan đã thành lập một chương trình thuốc giải độc quốc gia, tạo ra các kho thuốc giải độc quốc gia và địa phương, quản lý việc phân phối và đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về quản lý lâm sàng và sử dụng thuốc giải độc. Năm 2013, chương trình đã kết hợp thêm thuốc kháng nọc độc để cải thiện việc quản lý tồn kho và tránh lãng phí do hết hạn.

Trước đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường tham khảo ý kiến của các trung tâm chống độc về quản lý lâm sàng và một số thuốc giải độc không có sẵn. Các bệnh viện đều dự trữ thuốc chống nọc độc nhưng chúng thường hết hạn sử dụng trước khi sử dụng.

Với chương trình này, Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan tài trợ và quản lý việc mua sắm tập trung thuốc giải độc và thuốc kháng nọc độc và tất cả bệnh nhân Thái Lan đều có quyền tiếp cận thuốc. Mức dự trữ quốc gia và địa phương được xác định dựa trên nhu cầu, mức độ khẩn cấp điều trị và chi phí.

Hệ thống này dựa trên nền tảng tích hợp thông tin địa lý, được đưa vào sử dụng để đặt thuốc giải độc và thuốc chống nọc độc. Hơn nữa, việc kiểm soát nguồn cung và phân phối tốt hơn đã giúp tránh lãng phí thuốc kháng nọc độc và giảm chi phí thuốc.

Chương trình của Thái Lan thành công nhờ vào sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và bền vững, nguồn vốn đầy đủ, năng lực hoạt động được cải thiện, đào tạo cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến 24 giờ. Hoạt động thu mua và phân phối tập trung dựa trên web đảm bảo các loại thuốc thiết yếu này luôn sẵn có, giảm thiểu chi phí, giảm lãng phí và cứu sống nhiều người.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/can-luat-hoa-quy-dinh-ve-thuoc-hiem-20240624080438913.htm

  • Từ khóa

Hà Nội được phạt vi phạm đất đai, xây dựng, phòng cháy cao gấp đôi cả nước

Thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, Quốc hội đồng ý cho Hà Nội được phạt vi phạm đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy cao gấp đôi cả nước.
12:23 - 28/06/2024
115 lượt xem

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm người dân làng cổ Đường Lâm nhân Ngày Gia đình

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân...
07:38 - 28/06/2024
244 lượt xem

Đã chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên bốn đoạn cao tốc Bắc - Nam

Qua đấu thầu, đến ngày 27-6, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo...
08:09 - 28/06/2024
213 lượt xem

Chuyến công du ấn tượng của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lịch trình phong phú và sôi động, các hoạt động hiệu quả và để lại nhiều dấu ấn nổi bật là những gì có thể khái quát về chuyến công tác Trung Quốc 4 ngày...
08:27 - 28/06/2024
226 lượt xem

Luật Căn cước 'mở' cho người chưa có giấy tờ tùy thân

Kể từ ngày 1.7, luật Căn cước có hiệu lực thi hành, một trong những quy định mới, tạo điều kiện cho những người gốc VN chưa xác định được quốc tịch sẽ...
06:38 - 28/06/2024
264 lượt xem