Ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ các vụ cháy ở TP.HCM, Hà Nội... những năm qua là bài học đắt giá trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ông Trần Thanh Mẫn - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Chỗ nào cũng có bể, vòi nước phòng cháy nhưng khi có cháy không dùng được
Nêu ý kiến góp ý, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay thời gian qua dù rất quan tâm nhưng tình hình cháy nổ, tai nạn xảy ra liên tục, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của xã hội.
Ông dẫn chứng các vụ cháy ở TP.HCM, Hà Nội... những năm qua là bài học đắt giá trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
"Bây giờ xã hội lo nhất về tính mạng, tài sản. Có nhiều thứ nhưng 3 vấn đề tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy nổ được người dân rất quan tâm", ông Mẫn nói.
Ông Mẫn đặt vấn đề vừa qua sửa luật, các nghị định nhưng cháy nổ, thiệt hại tài sản, tính mạng mỗi năm vẫn xảy ra như vậy là tăng hay giảm?
Theo ông Mẫn, các ý kiến nêu khi làm đường, xây dựng khu dân cư cần tính để xe chữa cháy vào được. Nhưng đường ngoài rộng, trong hẻm xe không vào được.
Hay chỗ nào cũng có bể, vòi nước phòng cháy, chữa cháy nhưng không sử dụng, khi có cháy không dùng được.
Công tác diễn tập phòng cháy, chữa cháy địa phương nào cũng làm, quy mô lớn nhưng thực tế có địa phương "xe chữa cháy lên được 5-7 tầng. Nhưng nếu cấp phép cho xây 12-15 tầng thì không xe nào lên được".
Ngay Hà Nội, TP.HCM xe thang chữa cháy chỉ lên được bao nhiêu mét, bao nhiêu tầng, trong khi có thực tế cấp phép xây dựng số tầng vượt khả năng chữa cháy…
"Nhiều vấn đề nhưng rút kinh nghiệm để phòng cháy, chữa cháy hạn chế tối đa số vụ, thiệt hại về người, tài sản của nhân dân", ông Mẫn nêu.
Ông Mẫn cho biết thêm vừa qua việc phòng cháy rất được quan tâm nhưng đã đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ lực lượng chưa?
"Khi có cháy nổ, xử lý tại chỗ là vấn đề quan trọng nhất. Nhấn gọi 114, tới nơi có khi thiêu rụi rồi", ông Mẫn nói và nhấn mạnh việc phòng cháy rất quan trọng.
Về phòng cháy nhà ở, theo ông Mẫn được người dân quan tâm. Nhưng dự luật quy định chưa có "điểm mới, nét mới".
"Thực tế, các vụ cháy vừa qua, nhất là cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể.
Cùng với đó là các quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở, đặc biệt nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh", ông Mẫn nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay dự luật quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Theo ông Thanh, nội dung rất cần thiết vì vừa qua các khu dân cư có vụ cháy xảy ra đường vào "bé tí", không đưa được các phương tiện chữa cháy vào.
Nhưng khi thẩm tra luật quy hoạch chưa thấy có quy định về vấn đề này. Trong khi dự luật nêu các điều kiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch rõ ràng không thực hiện được.
Do đó, cần thiết kế riêng quy định này, còn theo pháp luật về quy hoạch không ổn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long - Ản: GIA HÂN
Khắc phục vướng mắc, bất cập về phòng cháy
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết dự luật dành riêng một chương quy định về phòng cháy.
Dự thảo kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy.
Trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong quản lý, cung ứng, sử dụng điện, thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Dự luật bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Như phòng cháy với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ.
Phòng cháy với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn.
Phòng, chống cháy, nổ với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cơ sở hạt nhân, trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ, chợ, trung tâm thương mại, kho tàng...
Theo Thành Chung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ong-tran-thanh-man-cap-phep-xay-dung-so-tang-vuot-kha-nang-chua-chay-20240514101047991.htm