Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, Thủ tướng yêu cầu báo cáo ngay về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố và Cơ quan điều phối quốc gia, tuân thủ sự điều phối của cơ quan này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thủ tướng cho biết dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, nhưng một số ngành, lĩnh vực chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều hệ thống thông tin do tổ chức, doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp có phạm vi, ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội.
Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp cần phải được quan tâm, triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức độ cao nhất, theo người đứng đầu Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh gần đây và có thể diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, theo Thủ tướng, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Ông yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng nếu hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không bảo đảm an toàn thông tin mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, Thủ tướng quán triệt cần kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và Cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý các đơn vị tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia và cơ quan chức năng có liên quan trong việc thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin…
Thông tin về sự cố, thiệt hại và các thông tin liên quan về Cơ quan điều phối quốc gia phải được thông tin đầy đủ, đồng thời tổng kết, phân tích, đánh giá, rút ra bài học và báo cáo về Cơ quan điều phối quốc gia để tổng hợp, phổ biến.
Ngoài những nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: GTVT, Công Thương, TN&MT, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng UBND TPHCM và Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương này được yêu cầu hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho 100% hệ thống thông tin trong tháng 9, và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định (tối thiểu hai năm một lần với hệ thống cấp độ 1, cấp độ 2 và mỗi năm một lần với hệ thống thông tin cấp độ 3, cấp độ 4; 6 tháng/lần với hệ thống thông tin cấp độ 5), săn lùng và loại bỏ các mối nguy hại trên hệ thống thông tin của tổ chức, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan, tổ chức giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan cần phối hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng.
Theo Hoài Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tan-cong-mang-tang-manh-thu-tuong-quan-triet-cac-buoc-ung-pho-su-co-20240408071703137.htm