Ghi nhận năm 2023, hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “làn gió tươi mới” trong tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có phạm vi rộng hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm trước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 25/3, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã bế mạc sau một ngày làm việc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, cùng 18 ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận sôi nổi đến từ đại diện Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023 có thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo nhưng đất nước đạt nhiều kết quả quan trọng khá toàn diện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong thành tích chung đó có vai trò của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như tại Hội nghị năm 2022 nhận định có “làn gió tươi mới” trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử ở địa phương thì đến Hội nghị lần này càng khẳng định nhận định trên là đúng và cho thấy “làn gió tươi mới” đó đã có phạm vi rộng hơn, tác động lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn năm trước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương. “Những địa phương có hoạt động Hội đồng nhân dân tốt thì thu ngân sách và tăng trưởng khá, cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Hội đồng nhân dân đã bám sát quy định của pháp luật, thực hiện toàn diện các chức năng từ công tác lập pháp, lập quy đến giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng, lấy phiếu tín nhiệm và các công tác khác như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đối ngoại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn một số hạn chế cần khắc phục trong hoạt động của Hội đồng nhân dân như hoạt động của hội đồng, thường trực, các ban đại biểu Hội đồng nhân dân chưa được đồng đều ở các địa phương với nhau và trong từng địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều vấn đề đang vướng mắc tại các địa phương có một phần trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, đơn cử như việc giải ngân đầu tư công chậm.
“Những vấn đề chúng ta đang vướng mắc có một phần trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, ví dụ như vấn đề giải ngân đầu tư công chậm. Việc giải quyết các kiến nghị, nghị quyết giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có nhiều chuyển biến, những dự án này nằm ở địa phương cả. Mấy trăm dự án đã có danh mục hết cả rồi nhưng tiến triển chậm thì cũng có trách nhiệm của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, vấn đề đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong quá trình đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế... được nêu tại các báo cáo của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cũng có phần trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, đặc biệt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)
Đề cập phương hướng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường thực hiện chức năng cơ quan dân cử địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, cần tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đóng góp nhiều hơn, trách nhiệm hơn cho việc xây dựng luật và nghị quyết của Quốc hội, nhất là các luật có liên quan đời sống kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến đề án tháo gỡ khó khăn đối với một số dự án ở một số địa phương sau khi có kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và có bản án. Bộ Chính trị có thể sẽ có chủ trương cho ban hành một số thể chế, quyết sách chính trị tháo gỡ vướng mắc liên quan việc này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Chính trị quán triệt tinh thần sai phạm thì xử lý nghiêm, không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tháo gỡ vướng mắc để khai thác nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.
“Có những việc Quốc hội phải làm, Chính phủ phải làm và có những việc Hội đồng nhân dân phải làm, trước mắt là các dự án trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng nhân dân các địa phương có kế hoạch triển khai một cách sâu sát đối với các dự án luật: Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Căn cước...
“Rất nhiều nội dung cụ thể trong luật đã được giao cho địa phương. Ví dụ đến năm 2026 ban hành bảng giá đất thì phải chuẩn bị từ bây giờ, nếu không sẽ không kịp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Một nhiệm vụ nữa của Hội đồng nhân dân trong năm 2024 được Chủ tịch Quốc hội đề cập là vấn đề thành lập địa giới hành chính mới và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Theo đó, Hội đồng nhân dân có trách nhiệm trong chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ với cán bộ đương chức, nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cấp ủy đảng, Thường trực Hội đồng nhân dân quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nguồn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tiến tới đại hội Đảng các cấp, tiếp tục giới thiệu nhân sự theo trình tự cấp dưới cho cấp trên, cho đại biểu Quốc hội.
Theo Văn Toản/NDO
https://nhandan.vn/lan-gio-tuoi-moi-trong-hoat-dong-cua-hoi-dong-nhan-dan-da-co-pham-vi-rong-hon-tac-dong-lan-toa-hon-post801473.html