205
/
161812
Lý do tiếp tục đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
ly-do-tiep-tuc-de-nghi-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe
news

Lý do tiếp tục đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Thứ 2, 25/03/2024 | 11:32:40
2,067 lượt xem

Dù có 2 phương án được đưa ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị các đại biểu thống nhất với phương án để báo cáo Quốc hội tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Quan điểm này được Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu tại báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sẽ được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 26 đến 28/3 tới.

Phương án cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cũng được đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ khi thảo luận về dự án luật này tại kỳ họp thứ 6.

Nhưng cũng có một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã phân tích ưu và nhược điểm của cả hai luồng quan điểm trên.

Lý do tiếp tục đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe - 1

Ủy ban Thường trực - An ninh đề nghị tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe (Ảnh: Trần Thanh).

Theo Thường trực ủy ban Quốc phòng - An ninh, tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là một trong những giải pháp căn cơ góp phần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu, bia, đặc biệt "đã uống rượu, bia rồi thì không được lái xe".

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe" có thể là một quá trình lâu dài nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy sự hình thành văn hóa đó, kết hợp tổng thể các biện pháp khác để xây dựng môi trường sống lành mạnh, lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu thụ đồ uống có cồn...

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận định, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

"Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý", theo phân tích của cơ quan thẩm tra.

Hơn nữa, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng khi có ngưỡng rất dễ xảy ra trường hợp bị ép uống và khi đã uống dễ bị kích thích, khó làm chủ bản thân và khó dừng lại.

Việc quy định ngưỡng, theo cơ quan thẩm tra, có nhiều hạn chế, làm lãng phí công sức, tiền bạc của nhà nước và nhân dân khi đã dày công tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe".

Thường trực cơ quan thẩm tra vì thế nhất trí với đề xuất của Chính phủ là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo ý kiến đề xuất của một số đại biểu, Thường trực Ủy ban đã thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024).

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể đối với 2 phương án trên và nhất trí đề nghị lựa chọn phương án 1.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thống nhất với phương án 1 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 4 điều mới; gộp 4 điều thành 2 điều; tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Theo Hoài Thu/Dân trí

https://dantri.com.vn/xa-hoi/ly-do-tiep-tuc-de-nghi-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-20240325081734793.htm

  • Từ khóa

Từ 1-7, chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành kết nối dữ liệu, đảm bảo hạ tầng kết nối để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID
19:55 - 03/05/2024
86 lượt xem

Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ...
15:46 - 03/05/2024
184 lượt xem

Từ ngày 1-7 chỉ sử dụng một tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là...
15:52 - 03/05/2024
195 lượt xem

Đề xuất Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt trong 2 lĩnh vực

Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến...
11:03 - 03/05/2024
292 lượt xem

Thu phí tự động không dừng tại 5 sân bay từ 5/5

Ngày 3/5, thông tin từ Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), 5 sân bay thu phí không dừng, gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Phú Bài, Đà...
10:29 - 03/05/2024
302 lượt xem