Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đại hội XIV sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương khóa XIII; tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Sáng 23/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban.
Tổng Bí thư cho biết theo kế hoạch, dự kiến tháng 1/2026, Đảng sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt.
Để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Hội nghị lần thứ 8 khóa XIII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng.
"Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng, tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa", theo Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp (Ảnh: VOV).
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIV có vai trò định hướng
Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, từ đó rút ra những bài học quan trọng; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).
Đại hội XIV cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; kiểm điểm việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XIII và tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
"Đại hội XIV sẽ lại là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VOV).
Vì vậy, theo Tổng Bí thư, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội.
Việc này phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Nguyên nhân của bệnh giáo điều là do xa rời thực tiễn
Để chuẩn bị tốt báo cáo này, Tổng Bí thư quán triệt cần kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc, song kiên định phải đi đôi với đổi mới - sự đổi mới có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội.
"Phải nắm vững và xử lý tốt "bốn kiên định", đặc biệt là kiên định một cách sáng tạo và sáng tạo một cách kiên định, vì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là lâu dài và chưa có tiền lệ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức", Tổng Bí thư lưu ý.
Theo ông, xây dựng các văn kiện Đại hội XIV cũng chính là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tương lai, đòi hỏi chúng ta phải thực sự quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đại hội XIV sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương khóa XIII; tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Ảnh: VOV).
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách.
"Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng; lý luận không có thực tiễn là lý luận suông. Căn nguyên của bệnh chủ quan là do kém lý luận, coi thường lý luận và lý luận suông. Nguyên nhân của bệnh giáo điều là do xa rời thực tiễn, không sâu sát thực tiễn, không gắn bó với quần chúng nhân dân", theo Tổng Bí thư.
Vì thế, trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý phải gắn kết nhuần nhuyễn việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Nhìn lại hơn nửa chặng đường Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư ghi nhận chúng ta đã quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả, tập trung vào 12 định hướng phát triển đất nước, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu thường xuyên.
"Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh.
Theo ông, việc này để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp lần thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng (Ảnh: VOV).
Tổng Bí thư yêu cầu việc tổng kết cần làm rõ những kết quả mới, cách làm mới, nền tảng đã được tạo dựng, những yêu cầu đặt ra, giúp nhận diện rõ khát vọng, tầm nhìn, định hướng và các giải pháp lớn, sát hợp với tình hình mới, phục vụ giai đoạn phát triển mới khi cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta đã ở một tầm cao mới.
Theo Tổng Bí thư, báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn.
Về cách làm, Tổng Bí thư nhận định văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị của Đại hội XIV, là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.
Đồng thời, theo Tổng Bí thư, cần phân tích thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu thế phát triển trong thời gian tới, để kịp thời bổ sung quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số trọng tâm, giải pháp ứng phó cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Hoài Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-hoi-xiv-se-sua-dieu-le-dang-bau-bch-trung-uong-khoa-moi-20240223123955720.htm