Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành nông nghiệp đã vượt khó, "vượt cơn gió ngược" đạt những kết quả nổi bật, thể hiện được vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại hội nghị
Chiều 3-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội tới các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trong năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 duy trì mức cao, đạt trên 53 tỉ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay với 12,07 tỉ USD, tăng 43,7%.
Có 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD: Rau quả 5,69 tỉ USD; gạo 4,78 tỉ USD; hạt điều 3,63 tỉ USD; cà phê 4,18 tỉ USD; tôm 3,38 tỉ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỉ USD. Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã sản xuất thành công và xuất khẩu vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Ngành nông nghiệp phải tập trung đổi mới sáng tạo
Mở đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng chúng ta đã đi hết năm 2023 với nhiều cảm xúc, tâm tư, lo lắng. Nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, cùng với nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt khó, lội ngược dòng, "vượt cơn gió ngược" để thu được những kết quả đáng trân trọng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; xuất siêu 28 tỉ USD, trong đó ngành nông nghiệp đóng góp tới 12,7 tỉ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại
Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh lương thực khó khăn, Việt Nam đã chứng minh vị trí, vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu gạo tối đa, khuyến khích người dân tăng vụ để có thêm gạo phục vụ xuất khẩu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023. "Ngành nông nghiệp đã có một năm được mùa, được giá"- Thủ tướng nói.
Có được kết quả nêu trên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp.
"Ngành nông nghiệp đã thể hiện được vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tình hình luôn thay đổi.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỉ USD trở lên…
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức "biến không thành có, biến khó thành dễ".
Cùng với đó, bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Coi đây là động lực mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, nhu cầu của thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất. |
Theo Văn Duẩn/NLĐO
https://nld.com.vn/thu-tuong-nganh-nong-nghiep-da-co-mot-nam-duoc-mua-duoc-gia-196240103190057373.htm