Việt Nam - Campuchia phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới; nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện cho hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Sáng 11/12, sau lễ đón tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet đang thăm chính thức Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng khi lần đầu đến thăm chính thức Việt Nam trên cương vị mới, Thủ tướng Hun Manet khẳng định chuyến thăm lần này nhằm kế thừa, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Đồng thời, chuyến thăm nhằm bày tỏ chân thành lời cảm ơn đến quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như trân trọng truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân, đế quốc trước đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet bước vào hội đàm sáng 11/12 (Ảnh: Thành Đông).
Trao đổi về phương hướng lớn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước.
Trong đó, hai bên cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực để kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2024). Nhân sự kiện này, Campuchia sẽ cử lãnh đạo Chính phủ sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phát huy hai lĩnh vực trụ cột quan trọng này nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia.
Cùng với đó, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Nội vụ hai nước; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới và cùng nhau hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Ngoài ra, hai nước cùng Lào sẽ sớm tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ nhất.
Lãnh đạo Chính phủ và các đại biểu cấp cao hai nước trao đổi nhiều định hướng hợp tác trong thời gian tới (Ảnh: Thành Đông).
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách.
Hai bên đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên; phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới; nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.
Về hợp tác biên giới, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các lực lượng chức năng và địa phương giáp biên giới hai nước.
Về các lĩnh vực hợp tác khác, hai bên đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng cường kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường cao tốc và tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước; phối hợp với Lào đẩy mạnh các gói du lịch "Một hành trình ba điểm đến".
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có duy trì đoàn kết, lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN đối với những vấn đề an ninh, chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, trong đó có việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Nhân dân cách mạng Lào; duy trì và phát huy các cuộc gặp giữa Thủ tướng,
Cùng với đó, các bên thúc đẩy hợp tác tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Ngay sau Hội đàm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký 3 văn kiện hợp tác gồm các bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Campuchia; hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng Viện Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Campuchia.
Theo Hà Mỹ/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/viet-nam-luon-coi-trong-va-danh-uu-tien-cao-cho-quan-he-voi-campuchia-20231211175248786.htm