Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam phối hợp giám sát việc tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, xúc tiến mô hình "3 quốc gia - 1 điểm đến"
Ngày 5-12, tại thủ đô Vientiane - Lào đã diễn ra lễ khai mạc trọng thể và phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị cấp cao quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, với sự tham dự của hơn 350 đại biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoongloun Sisoulith nhấn mạnh hội nghị thể hiện quyết tâm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như thúc đẩy hợp tác giữa ba nước, nhất là khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV - DTA), tiến tới xây dựng CLV - DTA thành vùng phát triển tiêu biểu của khu vực.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong hợp tác quốc hội ba nước.
Với chủ đề hội nghị là "Tăng cường vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào và Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Lào tin tưởng các đại biểu sẽ trao đổi các cách tiếp cận sáng tạo, đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác kênh quốc hội, cả cấp trung ương và địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - thương mại, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hoàn thành phân giới cắm mốc, tìm kiếm bộ đội mất tích, ổn định an ninh - xã hội của ba nước nói chung và các địa phương tại khu vực CLV - DTA.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị cấp cao quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: DOÃN TẤN
Tại phiên toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam nhấn mạnh vai trò giám sát của quốc hội trong ứng phó các thách thức toàn cầu, giải quyết các vấn đề tồn tại, thúc đẩy các thỏa thuận, dự án chung…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là mốc son quan trọng.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề xuất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trong hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách pháp luật hỗ trợ các chính phủ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại các cơ chế hợp tác nghị viện, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mê Kông.
Quốc hội ba nước tiếp tục giám sát triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký, đàm phán để ký văn kiện mới tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi trong hợp tác song phương cũng như giữa ba nước; chú trọng các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực CLV - DTA. Về văn hóa - xã hội, quốc hội ba nước phối hợp giám sát việc tạo điều kiện phát triển du lịch, xúc tiến mô hình "3 quốc gia - 1 điểm đến".
Đặc biệt, quốc hội ba nước chú trọng đề nghị các chính phủ hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Lào tại mỗi nước. Ba quốc hội tăng cường trao đổi về thông qua các luật và hợp tác với các đối tác liên quan môi trường, tài nguyên nước, nhất là quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, các Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) và Hàn Quốc (KOICA) cam kết tiếp tục hỗ trợ ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam phát triển bền vững, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Cùng ngày 5-12, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Học viện Chính trị Công an Lào. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; thăm đại sứ quán và gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Theo Thế Dũng/Người lao động
https://nld.com.vn/huong-toi-3-quoc-gia-1-diem-den-196231205220054851.htm