Với việc mở rộng ra toàn bộ nhóm chính sách xã hội cho mọi đối tượng, Việt Nam hướng tới mục tiêu nằm trong nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao trên thế giới, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sáng 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".
Thủ tướng nhấn mạnh chính sách xã hội là lĩnh vực lớn, phạm vi rộng, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, được triển khai ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Dành 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho chính sách xã hội
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các mục tiêu đề ra cơ bản đạt được.
Trong đó, chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt. Đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ và chính sách ưu đãi phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" (Ảnh: Hồng Phong).
"Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn", theo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cho biết việc bảo đảm an sinh xã hội chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022.
"Trong 3 năm phòng, chống dịch Covid-19, hơn 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo đã được hỗ trợ cho 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn", Thủ tướng thông tin.
Đặc biệt, ông cho biết Nhà nước đã dành khoảng 20% tổng chi ngân sách hàng năm cho chính sách xã hội.
Công tác giảm nghèo cũng đạt kết quả nổi bật, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, theo đánh giá của Thủ tướng. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.110 USD năm 2022.
"Việt Nam về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, là điểm sáng trong toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng thông tin kết quả nổi bật khi diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng. Năm 2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng (đến nay đạt 1,46 triệu người).
Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản cũng là thành tựu đạt được trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Đánh giá chung, Thủ tướng nhấn mạnh đời sống người dân được nâng lên rõ rệt; diện mạo xã hội thay đổi căn bản; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn; đem lại sự hài lòng và củng cố niềm tin của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ.
Song bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra bất cập khi phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao; thị trường lao động phát triển chưa thực sự đồng bộ, đột phá về nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét, nhất là nhân lực chất lượng cao...
Thực hiện chính sách xã hội theo hướng toàn dân, toàn diện
Chỉ ra những "tác động kép" từ yếu tố bất lợi ở cả bên trong lẫn bên ngoài, Thủ tướng nêu thực tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn về quản lý phát triển xã hội (như vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo, già hóa dân số, rủi ro về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...).
Bên cạnh đó là thách thức về tốc độ già hóa dân số tăng nhanh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).
Những bất cập còn tồn đọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 năm cộng với tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi đặt ra yêu cầu tiếp tục mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thông tin về những nội dung chính của Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, Thủ tướng cho biết có nhiều điểm mới nổi bật.
Về cách tiếp cận và tên gọi, Nghị quyết 42 có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Nghị quyết kết hợp hài hòa giữa tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để bảo đảm ổn định xã hội, đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực.
Về phạm vi, Nghị quyết 42 đã mở rộng ra toàn bộ nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
5 nhóm chính sách xã hội gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết 42 nhấn mạnh nhiều quan điểm quan trọng như đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững.
Nghị quyết xác định tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Về mục tiêu và tầm nhìn, Nghị quyết 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đồng thời, đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 42 xác định hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42, Thủ tướng lưu ý tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Về xây dựng nhà ở xã hội, Thủ tướng nhắc đến mục tiêu hoàn thành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
"Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát", người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Theo Hoài Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/mo-rong-toan-bo-nhom-chinh-sach-xa-hoi-cho-moi-doi-tuong-20231204122817808.htm