205
/
156009
Chất vấn thẳng thắn, trả lời rõ ràng
chat-van-thang-than-tra-loi-ro-rang
news

Chất vấn thẳng thắn, trả lời rõ ràng

Thứ 3, 07/11/2023 | 08:38:02
2,218 lượt xem

8 thành viên Chính phủ đã lần lượt trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu. Nhiều câu hỏi đã đi thẳng vào vấn đề bức thiết mà nhân dân quan tâm, cần tìm lời giải

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) đã bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi tại kỳ họp thứ 6. Khác với kỳ họp trước, QH không chất vấn theo nhóm vấn đề nóng, mà chất vấn giữa nhiệm kỳ. Vì vậy, các thành viên Chính phủ nhận được chất vấn việc thực hiện lời hứa của mình theo các Nghị quyết của QH khóa XIV, XV.

Lo việc quản lý tài sản công

Trước khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Đại biểu (ĐB) Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đăng đàn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm. ĐB Minh Ánh đặt câu hỏi thẳng về trách nhiệm của bộ trưởng trong việc này và giải pháp để khắc phục.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đang đề xuất QH và Ủy ban Thường vụ QH sửa Luật Quản lý tài sản công để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, pháp luật về quản lý tài sản công hiện chưa bao phủ hết các vấn đề trên thực tiễn.

Lấy dẫn chứng về việc mua tài sản tư để trở thành tài sản công, trong đó có việc mua các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trên thực tế, một số dự án BOT được phê duyệt, triển khai nhưng sau đó có sự thay đổi quy hoạch, hướng tuyến, dẫn đến phương án tài chính hoàn vốn của nhà đầu tư tư nhân gặp khó khăn. Với các dự án BOT này, nhà nước có thể mua lại để triển khai thu phí hoàn vốn hoặc sử dụng ngân sách để bù đắp, tuy nhiên trong luật chưa có các quy định về mua tài sản tư để đưa về nhà nước quản lý. Do đó, Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý tài sản công để bổ sung các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng liên quan lĩnh vực tài sản công, ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nêu thực trạng sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhiều trụ sở hành chính bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. "Đề nghị bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp căn cơ nào?" - ĐB Thanh Mai chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết có khoảng 90% tài sản công đã được xử lý, còn 10% - tương ứng khoảng 1.000 tài sản công - vẫn chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, tạo nên sự lãng phí. Về nguyên nhân, khi chuyển tài sản công, nhiều cơ quan, đơn vị không có nhu cầu. Đặc biệt, khi muốn định giá để bán tài sản công, việc tìm được cơ quan định giá là rất khó nên để bán tài sản công cũng không dễ dàng.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nói cử tri lo lắng về tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công. Những bất cập, lỗ hổng pháp lý thì bộ trưởng đã nói ra nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan quản lý nhà đất, công sản ở đô thị. Từ đó, cho thấy thước đo, niềm tin của người dân là quản lý tài sản công rất có vấn đề. "Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh" - ông Tạo nói và đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng công tác quản lý tài sản công thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật. Vấn đề cần thực hiện hiện nay là nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.

Băn khoăn gói tín dụng 120.000 tỉ đồng

Chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, ĐB Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nêu cử tri và nhân dân kỳ vọng lớn ở gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng đến nay con số giải ngân đang rất thấp, chỉ hơn 100 tỉ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp thời gian tới?

Trả lời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đến nay có 18/63 tỉnh, thành đã gửi danh mục dự án tham gia chương trình. Trong đó có 53 dự án với nhu cầu vốn vay khoảng 27.000 tỉ đồng. Hiện con số giải ngân chỉ mới đạt 105 tỉ đồng, tại 3 địa phương. Thừa nhận việc giải ngân còn thấp, Thống đốc NHNN cho biết nguyên nhân do nguồn cung nhà ở thuộc đối tượng của gói tín dụng còn thiếu, trong khi nhu cầu lớn. Ngoài ra, một số điều kiện để được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội chưa phù hợp.

Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh đây là chương trình thực hiện trong thời gian dài, tới 10 năm, các khoản vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân theo thời kỳ nên kết quả đến nay còn thấp. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, NHNN đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, sớm công bố dự án thuộc chương trình để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai. Phía NHNN cũng phối hợp bộ, ngành khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Một số ĐB đề nghị Thống đốc NHNN giải trình việc xử lý các ngân hàng yếu kém chậm, chưa đạt tiến độ. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lo lắng hỏi trong thời gian tới, làm thế nào để người dân an tâm gửi tiền? Trả lời, bà Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là rất khó, đây là vấn đề chưa có tiền lệ, trong khi cán bộ thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia đề án cũng khó khăn. Ngoài ra, về nguồn lực để thực hiện cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất.

Thống đốc cho biết từ năm 2015 tới nay, NHNN đã lần lượt ra quyết định kiểm soát đặc biệt và chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng Xây dựng (VNCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Tuy nhiên, tới nay việc thực hiện chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng nói trên vẫn chưa hoàn tất. Tới tháng 10-2022, sau khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, NHNN tiếp tục quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt.

Cũng về tín dụng, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) chất vấn NHNN đã thực hiện Nghị quyết QH yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng đến đâu? Về vấn đề này, Thống đốc cho biết room tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, cùng với các công cụ chính sách khác và được điều hành bám sát với chỉ đạo yêu cầu của QH và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hằng năm được NHNN đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính, quan trọng nhất là dựa trên kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc, mặc dù Nghị quyết của QH đã yêu cầu NHNN tiến tới xóa bỏ room tín dụng, song NHNN đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, các ĐBQH và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Chỉ có thể bỏ room tín dụng khi các phân khúc khác của thị trường vốn hoàn thiện.

Chất vấn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ trách nhiệm của bộ này trong việc chậm ban hành các quy định liên quan nguồn vốn ODA, ảnh hưởng tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận tình trạng như ĐB nêu. Theo ông, thủ tục đối với dự án ODA sẽ phức tạp hơn khi phải thực hiện cả quy định ở trong nước về đầu tư công, vừa thực hiện các quy định của các nhà tài trợ nước ngoài và các quy trình, thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thỏa thuận vay...nên mất rất nhiều thời gian.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bình quân hiện nay mỗi dự án ODA phải mất ít nhất là 2 năm mới chuẩn bị xong được thủ tục, sau đó nếu có phải điều chỉnh thì phải mất thêm 1 đến 2 năm nữa. Ông thừa nhận đây là bất cập, sẽ tham mưu Chính phủ để sửa đổi các quy định nhằm tháo gỡ.

Chất vấn thẳng thắn, trả lời rõ ràng - Ảnh 1.

Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trong ngày 6-11 (từ trái sang, trên xuống): Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cao tốc sẽ có làn dừng khẩn cấp

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đã vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng nghỉ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào có trạm dừng chân để người dân yên tâm khi lưu thông qua tuyến cao tốc trên?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm về vấn đề ĐB Thông nêu. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết khi triển khai các dự án cao tốc "chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng". Trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, phòng tạm mà nếu biết khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa có. Vì vậy, Bộ GTVT vừa phải thi công các tuyến cao tốc vừa phải chỉ đạo ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư, quy mô xây trạm dừng nghỉ, sau đó kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

Đến nay, trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam đưa vào sử dụng đã bắt đầu chọn nhà đầu tư. "Khi đưa vào khai thác, các tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai sẽ có đủ trạm dừng nghỉ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế" - ông Thắng nói và mong ĐB, cử tri cả nước cảm thông.

Trả lời ĐB Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) về việc đầu tư một số tuyến cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi. Theo ông, nhiều nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu cũng phải phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc. Trên cơ sở kinh nghiệm này, Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư theo nguyên tắc này, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Tới đây, Bộ GTVT cũng sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ, QH hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc mới có 2 làn xe và các đoạn tuyến có lưu lượng xe lớn để hệ thống cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) về quy định tốc độ tối đa nhiều tuyến cao tốc chỉ 80 km/giờ, trong khi Quốc lộ 1A có đoạn lại cho đi tối đa 90 km/giờ, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện nay Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, gồm 4 giới hạn tốc độ cao nhất là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và thấp nhất là 60 km/giờ, phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, theo quy hoạch có thể chạy 120 km/giờ như Hạ Long - Móng Cái hay Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ trưởng Thắng cho biết từ đầu năm 2023 đã cho nghiên cứu xem tiêu chuẩn đã đáp ứng, phù hợp thực tế chưa và thấy các tuyến đường hiện quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Do đó, trong quý I/2024 sẽ thay đổi tốc độ tối đa các tuyến cao tốc này từ 80 lên 90 km/giờ.

Thiếu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà

Trả lời chất vấn của ĐB Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) về việc hiện nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, mái công trình xây dựng để góp phần giảm thiếu điện cho miền Bắc nhưng lại thiếu cơ chế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo ở mức cao (tổng nguồn năng lượng tái tạo không kể thủy điện chiếm 28,5% cơ cấu so với tổng nguồn), như vậy ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cơ cấu năng lượng tái tạo ở Việt Nam cao hơn nhiều nước phát triển, có trình độ công nghệ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực lưới điện thông minh và lưu trữ điện (ở mức 20%). Vì thế, ngoài nỗ lực của Việt Nam, cần hỗ trợ từ nguồn quốc tế. Các nước đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỉ USD trong chuyển đổi năng lượng thời gian tới.

Để thực hiện được Quy hoạch điện VIII cần đầu tư hệ thống lưới điện thông minh, đầu tư phát triển hệ thống lưu trữ điện; đồng thời thúc đẩy thị trường điện ở cả 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Biểu giá bán lẻ cũng cần nghiên cứu hiệu quả hơn, trong đó nhiệt điện và thủy điện có biểu giá cao để có thể bù đắp cho điện năng lượng tái tạo khi thực hiện hệ thống điện tự sản, tự tiêu hoặc huy động nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, huy động đầu tư; xây dựng và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp; thúc đẩy phát triển các loại thị trường điện.

Bộ Công Thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định phát triển điện mặt trời áp mái, nếu Chính phủ cho phép chủ trương xây dựng nghị định, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng theo quy trình. Việc phát triển điện mặt trời áp mái không giới hạn là cho sau này, các dự án điện mặt trời áp mái phải không áp lực lên lưới điện. "Phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn công suất trong bối cảnh công nghệ phát triển, các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà không gây áp lực lên lưới truyền tải. Nếu không có nguồn điện nền ổn định (chiếm 80%-85%) thì không quốc gia nào phát triển vô hạn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và cho biết bộ này cũng đang xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Chất vấn thẳng thắn, trả lời rõ ràng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn việc đầu tư một số tuyến cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp

ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về chậm trễ triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, khi mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là bố trí ổn định cho hơn 47.000 hộ vùng thiên tai, song đến năm 2022 mới thực hiện cho hơn 5.000 hộ. ĐB này hỏi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nguyên nhân của sự chậm trễ, trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết tiến độ chậm là do sự phối hợp trung ương và địa phương chưa tốt. Về phía địa phương, tỉnh đăng ký các dự án tái định cư nhưng không còn quỹ đất, phải điều chuyển, di dời. Khi tái định cư, việc tạo điều kiện người dân có đất sản xuất rất khó khăn, làm chậm tiến độ việc di dân. Bên cạnh đó, một số dự án bố trí di dân không phát huy hiệu quả. Người dân vì lý do sinh kế, không phù hợp tập quán nên đã bỏ đi.

"Bộ NN-PTNT đang thảo luận với địa phương, đánh giá lại để trình Chính phủ tìm giải pháp đạt hiệu quả tái định cư, hình thành cộng đồng phát triển bền vững" - ông Hoan nói.

Trả lời chất vấn của ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) về giải pháp để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc, hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị. 

3-PTT Trần Lưu Quang

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang

Kỷ luật được tăng cường

Nói về các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết từ đầu năm 2023 đến nay đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2%; triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với đó, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công. Chính sách tiền tệ điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập, đúng như nhiều ĐB đã nêu. Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ DN vay trong gói 40.000 tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

3-Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chú trọng thu hồi tài sản của nhà nước

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong xét xử, giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các cấp tòa đã phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa ra xét xử sớm, chú trọng thu hồi tài sản của nhà nước.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản trong 147 vụ án kinh tế, tham nhũng với 490 bị cáo và tổng giá trị hơn 1.200 tỉ đồng. "Có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỉ đồng" - ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.

3-Viện trưởng Lê Minh Trí

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

99,99% số bị can truy tố đúng tội danh

Với ngành KSND, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh cơ quan này đã chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Các biện pháp đã được thực hiện để bảo đảm thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Lê Minh Trí, tỉ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án VKSND truy tố đúng thời hạn đạt tỉ lệ 100% và số bị can VKSND truy tố đúng tội danh đạt 99,99%.

Hôm nay (7-11), QH tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Khai thác khoáng sản trái phép có cán bộ địa phương "bảo vệ"


Trả lời chất vấn của ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ khi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng.

"Địa phương có vai trò rất lớn vì đây là vấn đề trên địa bàn. Sau khi các vụ án xảy ra mới phát hiện việc cán bộ địa phương có hệ thống bảo vệ việc này" - ông Khánh nói và cho biết sẽ phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.



Theo Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh/NLĐ

https://nld.com.vn/thoi-su/chat-van-thang-than-tra-loi-ro-rang-20231106225551701.htm

  • Từ khóa

Trung ương đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Xét theo nguyện vọng cá nhân, Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương khóa XIII, Chủ tịch Quốc...
15:22 - 27/04/2024
406 lượt xem

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa trước ngày đại lễ 7/5

Chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tuyến đường, phố của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, được trang hoàng rực rỡ cờ...
09:47 - 27/04/2024
512 lượt xem

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4

Sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã...
11:10 - 26/04/2024
1,072 lượt xem

Quản lý thị trường vàng 'có vấn đề'

Ngày 25.4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2023, các tháng đầu năm 2024. Đây là...
09:15 - 26/04/2024
1,099 lượt xem

Báo cáo nhân quyền của Mỹ tiếp tục nhận định không khách quan về Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa...
19:45 - 25/04/2024
1,443 lượt xem