Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cán bộ không thể né tránh, sợ trách nhiệm. Nhưng cán bộ sợ sai thì đúng, sợ sai để làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn.
Trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành nhiều thời gian đề cập đến các vấn đề nổi cộm trong năm 2023.
Chủ tịch nước cho rằng những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội vừa qua rất ấn tượng, được quốc tế đánh giá cao.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết, điển hình như vấn đề liên quan thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hay như việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ tịch nước nhận xét "10 năm qua vẫn chưa giải quyết được". Thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng nhưng đến nay chưa thể xử lý dứt điểm.
Theo Chủ tịch nước, điều này khiến rủi ro tiềm ẩn rất lớn, và những hệ quả của việc này cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10 (Ảnh: Minh Châu).
"Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm. Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu nói con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm, hay là trong các kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Đây là khó khăn của chúng ta", theo lời Chủ tịch nước.
Dẫn chứng, Chủ tịch nước nhắc đến Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19, chúng ta kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận rất hào hứng, nhưng triển khai rất chậm.
Về đầu tư công, Chủ tịch nước nhắc đến nghịch lý "có tiền không tiêu được". Nhận định có nhiều yếu tố tác động, ông nêu bức tranh đời sống kinh tế khó khăn ở một số nước khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể và ảnh hưởng rất lớn đến hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều đơn hàng phải dừng lại.
Bên cạnh đó, xung đột vũ trang, chiến tranh ở một số nơi làm cho khách du lịch ít đi hơn, chi tiêu ít hơn và cũng khiến sản xuất chậm lại.
Về nguyên nhân, bên cạnh tác động từ bên ngoài, Chủ tịch nước cho rằng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Ông nhận định phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đảng đã có chủ trương phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng từng cấp cần xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Việc này để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới.
Dù vậy, Chủ tịch nước nói "điều này chúng ta chưa thực hiện được". "Có nhiều việc quyền hạn không rõ, mà mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu 3 tháng, trung bình 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời theo hướng làm theo quy định của pháp luật", ông dẫn chứng.
Tư duy thích ôm đồm trong xây dựng chính sách
Ông nêu nguyên nhân từ tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong đó nên nhiều chuyện không chịu phân cấp, hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rõ nhưng phân cấp rất khó khăn.
Trách nhiệm trong xây dựng pháp luật bao gồm cả luật, nghị định, thông tư, tức là văn bản quy phạm pháp luật, theo Chủ tịch nước, cũng chưa cao.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10 (Ảnh: Minh Châu).
"Trong hệ thống, chúng ta thấy cán bộ làm sai bị xử rất nặng. Cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, cũng từng bước xem xét xử lý kỷ luật. Nhưng cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao", Chủ tịch nước nêu vấn đề.
Vấn đề tiếp theo được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Theo ông, đó là khuyết điểm.
"Là cán bộ, anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm. Nhưng sợ sai thì đúng, làm không sợ sai mới chết. Nhưng sợ sai để mình làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc lợi - hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định, đó là một phẩm chất cần thiết của cán bộ", theo Chủ tịch nước.
Người đứng đầu Nhà nước cho rằng từng địa phương phải thực sự làm, thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu.
"Kết quả chúng ta đạt được rất thực chất, rất đáng khích lệ và phần nào đó cũng rất tự hào với khu vực và thế giới, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, trở ngại để tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Hoài Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-la-can-bo-anh-khong-the-ne-tranh-so-trach-nhiem-20231024112337111.htm