0 giờ 40 phút ngày 23.9 giờ địa phương (chiều 23.9 giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời New York (Mỹ), kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục chuyến công du thăm chính thức Brazil trong 3 ngày từ 23 - 25.9.
Trong 6 ngày công tác tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự một sự kiện đa phương quan trọng - Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) với chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người".
Kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78 kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục chuyến công du thăm chính thức Brazil trong 3 ngày, từ 23 - 25.9. NHẬT BẮC
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia các phiên họp cấp cao với nhiều hoạt động quan trọng như: dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ; dự và phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao của LHQ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch...
"Giữa một thế giới đứng giữa bờ vực rạn nứt" (lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại phiên khai mạc ĐHĐ LHQ - PV), mối quan hệ Việt Nam - Mỹ được Tổng thống Mỹ Joe Biden gợi lên như một biểu tượng của sự hàn gắn, một hình mẫu vượt qua quá khứ, vì hòa bình và tương lai.
"Không ai có thể tưởng tượng một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Đây là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương", Tổng thống Joe Biden nói trong phiên khai mạc ĐHĐ LHQ khóa 78.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Mỹ sáng 18.9 giờ địa phương tại San Francisco (Mỹ). NHẬT BẮC
Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã hoàn thành một chương trình nghị sự với hơn 50 sự kiện song phương khác với các nhà lãnh đạo, quan chức, chính khách, doanh nghiệp, học giả, sinh viên… từ San Francisco đến thủ đô Washington D.C và New York.
Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Các cuộc gặp gỡ song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều mang những thông điệp mạnh mẽ. Theo đó, Việt Nam xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng, là "động cơ vĩnh cửu" của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Meta (công ty sở hữu Facebook) chiều 18.9 giờ địa phương tại California (Mỹ). NHẬT BẮC
Để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai bên cần tạo đột phá trong hợp tác KH-CN, đổi mới sáng tạo, GD-ĐT; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo…
"Chính phủ Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng pháp luật, ổn định, hiệu quả vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, ấm no, hạnh phúc của người dân… Đây là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Mỹ.
Đưa quan hệ Việt Nam - Brazil lên tầm cao mới
Đối với Brazil, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong tương lai, là dấu mốc mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác mới với Brazil.
Việt Nam - Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989. Hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện từ tháng 5.2007 nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Về thương mại, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ (sau Mỹ). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều ghi nhận mức kỷ lục 6,78 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,24 tỉ USD và nhập khẩu 4,55 tỉ USD.
Trao đổi thương mại 6 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 3,3 tỉ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,29 tỉ USD (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022) và nhập khẩu 2,01 tỉ USD (giảm 20,4 tỉ USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại, giày dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, hàng thủy sản...
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là quặng và khoáng sản khác, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ...
Về đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - MERCOSUR, Việt Nam đang tích cực vận động Brazil quan tâm thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA trong nhiệm kỳ chủ tịch 6 tháng cuối năm.
Về đầu tư, Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 68% vốn đăng ký); bán buôn và bán lẻ (26,6%); hoạt động chuyên môn KH-CN (2,8%).
Việt Nam có 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại của Công ty TNHH thương mại Tôn Nhất Hương và 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký 300.000 USD tại Brazil.
Theo An Nguyên/Thanh niên
https://thanhnien.vn/thu-tuong-roi-new-york-len-duong-tham-chinh-thuc-brazil-185230923072139497.htm