Làm việc với cơ quan chức năng, chủ các cơ sở chế biến thừa nhận dùng chất "tẩy đường" để tẩy trắng bắp chuối bào và một thứ bột màu không rõ nguồn gốc để giữ xanh, tươi rau muống bào.
Dùng chất "tẩy đường" để chế biến
Suốt khoảng 1 tháng thâm nhập điều tra, PV Thanh Niên ghi nhận chủ các cơ sở thừa nhận sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để ngâm tẩm bắp chuối bào, rau muống bào trước khi đóng gói, giao hàng.
Giữa tháng 6.2023, trong quá trình tiếp cận cơ sở rau muống bào không tên, không số nằm trên đường 288, xã Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) do ông Đ. làm chủ, chúng tôi được những người ở đây tiết lộ ngâm hóa chất để giữ rau tươi, xanh.
Người của cửa hàng trên đường Kim Biên giao hóa chất cho PV
Ngày 15.6, trong vai tìm nguồn rau muống bào số lượng lớn cho bếp ăn công ty, chúng tôi được ông T. (chủ cũ của cơ sở ông Đ.) cùng vợ chồng ông Đ. biểu diễn cách ngâm tẩm rau muống bào với hóa chất. "Chúng tôi làm phải bảo quản là cho mọi người ăn, không phải cho bọn tôi. Mọi người ăn mà thấy cọng rau muống vàng là người ta chê xấu người ta sẽ không mua. Thì chúng tôi phải xử lý qua cái… cho cọng rau muống xanh trở lại. Mặc dù, chúng tôi biết làm như vậy là sai với tự nhiên", ông T. nói.
Dù biết là sai nhưng đều đặn 14 giờ mỗi ngày, cơ sở này lại ngâm rau trước khi chở đi tiêu thụ. Tại đây, PV phát hiện khoảng 1 kg bột màu tím được đựng bên trong bao ni lông không nhãn mác. Ông Đ. cho hay mua bột từ một công ty hóa chất (trên đường TL13, P.Thạnh Lộc, Q.12), với giá 450.000 đồng. Bột này sẽ pha với nước để ngâm tẩm rau muống bào, giữ rau tươi xanh, bắt mắt.
Tương tự, trong nhiều ngày ghi nhận tại cơ sở rau muống bào không tên, không địa chỉ khác nằm trên đường 164, xã Bình Mỹ (H.Củ Chi) do ông H. làm chủ cũng sử dụng hóa chất dạng lỏng màu xanh đen để pha với nước, ngâm tẩm rau muống bào.
Gói hóa chất ngâm rau muống bào tại cơ sở của ông Đ. (xã Bình Mỹ, H.Củ Chi)
Chúng tôi thắc mắc lý do ngâm rau với hóa chất trước khi giao thì ông H. giải thích rau muống là loại cây ưa nước, sau thu hoạch sẽ nhanh chóng sậm màu, héo úa. Nhưng tính đến thời điểm rau tới tay người tiêu dùng phải mất ít nhất 24 tiếng nên trước khi đóng gói đi giao phải xử lý qua hóa chất.
Chiều 4.7, trước khi ra về, chúng tôi mua 50 kg rau muống bào để lấy lòng tin và hỏi về nguồn gốc dung dịch thì ông H. chỉ nói đó là hóa chất mà các cơ sở làm rau muống thường dùng để giữ rau xanh, đẹp. Ông H. không chỉ chỗ mua song cho chúng tôi xem một lọ hóa chất và nói: "Ngâm ít thôi, nhiều sẽ rất nguy hại đến sức khỏe người dùng".
Cũng trong đầu tháng 7.2023, trong quá trình điều tra, tại các cơ sở chế biến bắp chuối bào "chui" ở H.Hóc Môn và TP.Thủ Đức (TP.HCM), chủ một số cơ sở không ngại tiết lộ sử dụng hóa chất dạng bột màu trắng gọi là chất "tẩy đường" hoặc dùng hàn the pha với nước để tẩy trắng bắp chuối bào.
Cụ thể, tại cơ sở của ông L.V.Th (ở ngã ba Nguyễn Ảnh Thủ - đường số 7, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn), chúng tôi hỏi lý do ngâm bắp chuối bào với chất "tẩy đường" thì ông này giải thích bắp chuối vừa bào ra, mủ sẽ lập tức làm đen, xấu và nhanh hư hỏng thành phẩm nên buộc phải dùng hóa chất để khử mủ, làm trắng. Tiếp nhận thông tin từ PV Thanh Niên cung cấp, ngày 10.7, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở của ông Th. và ông thừa nhận sử dụng chất "tẩy đường" mua ở khu vực chợ Kim Biên (Q.5) với giá 70.000 đồng/kg, để tẩy bắp chuối bào.
Chủ cửa hàng ở ngã ba Vạn Tượng - Trịnh Hoài Đức (P.13, Q.5) giao dịch với PV
Tương tự, một số cơ sở làm bắp chuối bào gần khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) và cơ sở làm bắp chuối bào khác (trên đường số 4, xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn) do bà N.T.Th làm chủ cũng thừa nhận sử dụng chất "tẩy đường" để ngâm tẩm, tẩy trắng bắp chuối bào trước khi đi giao. Ngày 10.7, cơ quan chức năng kiểm tra và bắt quả tang cơ sở của bà Th. sử dụng chất "tẩy đường" tẩy trắng bắp chuối bào.
Đáng nói, làm việc với cơ quan chức năng, ông L.V.Th và bà N.T.Th đều khai nhận mua chất "tẩy đường" nói trên ở khu vực chợ Kim Biên, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ
1 kg hóa chất giá 70.000 đồng
Khoảng 15 giờ ngày 9.7, trong vai chủ cơ sở chế biến rau muống bào, bắp chuối bào, chúng tôi đến gặp bà chủ một cửa hàng trên đường Kim Biên (bên hông chợ Kim Biên, P.13, Q.5), đặt mua hóa chất để tẩy trắng bắp chuối và chất giữ tươi rau muống bào. Bà này nhiệt tình tư vấn có đến hàng chục loại chất tẩy trắng, làm tươi rau muống. Khi chúng tôi nói muốn mua chất "tẩy đường" thì bà này nhắc nhở đây là "chất tẩy công nghiệp". Tuy nhiên, bà chủ vẫn vào lấy ra 2 gói hóa chất dạng bột màu trắng (mỗi gói 1 kg, trong đó có 1 gói là chất "tẩy đường") không nhãn mác, không ghi nguồn gốc, xuất xứ, đưa cho chúng tôi xem và ra giá 70.000 đồng/kg. Thanh toán tiền xong, chúng tôi yêu cầu được xem nhãn mác bao bì, hóa đơn chứng từ... thì bà này lảng tránh, nói không có bao bì, cũng không có bất kỳ quá đơn chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, mua bán của hóa chất này (!?).
Số hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ do PV mua từ khu vực chợ Kim Biên
Khoảng 15 giờ 20 cùng ngày, chúng tôi tới một cửa hàng khác gần đó cũng trên đường Kim Biên hỏi mua chất "tẩy đường" để tẩy trắng bắp chuối bào thì nhân viên ở đây liền mang ra một bịch hóa chất dạng bột màu trắng tương tự như vừa mua, và cũng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tiếp xúc thường xuyên với hàn the sẽ tăng nguy cơ ung thư Theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ, sodium bisulfite (NaHSO3) là chất bột màu trắng, mùi hắc, có tên gọi chất "tẩy đường" do được dùng để tẩy trắng trong công nghệ sản xuất đường. Rau và các loại củ héo khô khi ngâm trong dung dịch sodium bisulfite sẽ trở nên xanh tươi, căng mọng như mới thu hoạch, thậm chí có thể tươi tốt cả tuần. Trong công nghiệp thực phẩm, sodium bisulfite được dùng để tránh sự hóa nâu thực phẩm do thực phẩm bị ô xy hóa khi để trong không khí. Sodium tetraborate decahydrate (Na2B4O7.10H2O) cũng là chất bột màu trắng, có tên gọi hàn the. Hàn the cũng có công dụng bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, hàn the còn giúp thực phẩm trở nên dai, giòn tạo cảm giác ngon miệng. Tuy vậy, cả hai hóa chất này đều phải dùng với liều lượng nghiêm ngặt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sodium bisulfite được dùng tối đa 0,7 mg/kg trọng lượng cơ thể còn hàn the được khuyến cáo tiếp xúc không quá 3 mg/ngày. Tiếp xúc thường xuyên với hàn the được cho là tăng nguy cơ ung thư và ảnh hưởng khả năng sinh sản, còn sodium bisulfite có khả năng gây đột biến, dị ứng và đã bị cấm dùng để bảo quản rau quả ở Mỹ do đã gây chết người. Ngoài ra cần chú ý các hóa chất sử dụng nói trên ở chợ chắc chắn là hóa chất công nghiệp, không được phép dùng trong thực phẩm, do còn lẫn kim loại nặng và các hóa chất độc hại khác. Duy Tính |
Tiếp đó, chúng tôi vào cửa hàng bán hóa chất nằm ở ngã ba đường Vạn Tượng - Trịnh Hoài Đức (P.13, Q.5). Gọi là cửa hàng, nhưng thực chất nơi này không tên, không số, là một góc vỉa hè khoảng 9 m2, trưng bày lộn xộn nhiều chai, lọ, bao hóa chất. Chủ cửa hàng là một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Vừa nghe chúng tôi nói tìm mua hóa chất tẩy trắng bắp chuối, ngâm rau muống tươi xanh, ông này lập tức lấy điện thoại gọi một thanh niên mang đến 1 kg hóa chất dạng bột màu trắng chứa trong bịch ni lông, đưa cho chúng tôi và lấy 80.000 đồng. Rồi ông hướng dẫn cách sử dụng: "Hàn the đó, pha với nước để ngâm tẩy trắng, làm giòn, dai, giữ độ bền bắp chuối, rau muống bào. Còn tỷ lệ pha bao nhiêu thì tùy theo số lượng rau cần ngâm tẩm"...
Theo Lê Bình - Trần Duy Khánh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/thuc-pham-doc-hai-bua-vay-nguoi-dung-mua-hoa-chat-de-nhu-mua-rau-185230712211040402.htm