Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc
Chiều 27-6, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thúc đẩy tiếp xúc cấp cao
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; đây là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trên sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung - Việt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; tạo điều kiện để Việt Nam sớm mở thêm một số văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; cấp thêm hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba; nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối hai nước; hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam...
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ngành; mở rộng nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu...
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hoan nghênh Việt Nam tham gia các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc, cùng thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên còn trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển, củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân - Trung Quốc sáng 27-6 Ảnh: TTXVN
Cùng "vượt gió ngược"
Trước đó, cũng trong ngày 27-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) các nhà tiên phong tại Thiên Tân năm 2023. Tiếp đó, Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh".
Hội nghị WEF Thiên Tân năm nay thu hút sự tham dự của hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo cấp thủ tướng/bộ trưởng của 21 quốc gia, lãnh đạo đến từ 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 5 nước được mời tham dự ở cấp thủ tướng, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân với 6 định hướng quan trọng. Đó là tăng cường đoàn kết quốc tế; tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư; có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tự do hóa thương mại; không chính trị hóa các quan hệ kinh tế; sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột; tăng cường hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế và trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và các thành viên của WEF, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại...
Đáp lời Thủ tướng, Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende cho biết cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên họp kín với chủ đề "Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát" về thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong thương mại và đầu tư vào các lĩnh vực xanh, sáng tạo để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững, ngăn ngừa sự suy giảm tăng trưởng trong dài hạn. Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với thủ tướng các nước New Zealand, Mông Cổ, Barbados.
Phản ứng tích cực của thị trường Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi liên lạc và trao đổi nhiều hơn để tránh hiểu lầm tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở TP Thiên Tân - Trung Quốc hôm 27-6. Kéo dài 3 ngày, hội nghị này tập trung nhiều vào những lo ngại về cách thức phát triển của kinh tế toàn cầu trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức. Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh: "Ở phương Tây, một số người đang thổi phồng cái gọi là giảm thiểu sự phụ thuộc và rủi ro". Ông Lý lập luận kinh tế của nhiều quốc gia liên kết với nhau, dựa vào nhau, cùng nhau làm nên thành tựu và phát triển mới là điều tốt. Theo Thủ tướng Lý Cường, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II/2023 sẽ cao hơn quý I và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn dự báo nhưng dữ liệu kinh tế tháng 5 không như kỳ vọng của giới phân tích. Cùng ngày, thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc sau bảo đảm thúc đẩy nền kinh tế của ông Lý. Ông Steven Leung, lãnh đạo cấp cao Ngân hàng UOB Kay Hian ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhận định sẽ có nhiều chính sách hơn được đưa ra trong tháng 7, cũng như cách thức ổn định và thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong quý III tới. Xuân Mai |
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/viet-nam-trung-quoc-uu-tien-trong-chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-20230627222021009.htm