205
/
135857
TP HCM: Gỡ khó cho kế hoạch sử dụng đất
tp-hcm-go-kho-cho-ke-hoach-su-dung-dat
news

TP HCM: Gỡ khó cho kế hoạch sử dụng đất

Thứ 2, 10/10/2022 | 08:50:00
2,135 lượt xem

Nhiều năm qua, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương trên địa bàn TP HCM đều hoàn thành chậm. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án và quyền lợi người dân

Trong buổi giám sát việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã có nghị quyết của HĐND TP HCM tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) hôm 4-10, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Thị Thanh Vân nhận xét kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại các quận, huyện năm nào cũng không đúng thời gian.

Địa phương nào cũng chậm

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, căn cứ từ quy định thì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của năm nay sẽ phải được duyệt vào ngày 31-12 của năm trước. Tuy nhiên, đa phần kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý II hoặc quý III hằng năm. Tồn tại này nhiều năm qua chưa khắc phục được và tình trạng trễ ngày càng trầm trọng. Đến thời điểm quý IV/2022 mà kế hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương vẫn chưa được duyệt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng cần phân tích sâu, kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân mấu chốt vì các địa phương kiến nghị Sở TN-MT TP HCM làm sớm trong khi sở lại cho rằng các quận, huyện chuyển kế hoạch sử dụng đất lên trễ nên kéo theo thẩm định và trình duyệt chậm.

"Đề nghị Sở TN-MT ngồi lại với các quận, huyện và Sở Tài chính để tìm ra giải pháp làm nhanh, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cạn dần mốc thời gian quy định. Năm nào cũng nói phê duyệt trễ thì không hay" - bà Nguyễn Thị Thanh Vân nhấn mạnh.

TP HCM: Gỡ khó cho kế hoạch sử dụng đất - Ảnh 1.

Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị các đơn vị “ngồi lại với nhau” để tìm giải pháp

Trong tuần qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện các quận, huyện và chuyên gia cũng kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm vì nhiều bất cập.

Nói về khó khăn của địa phương, ông Kha Văn Phước, Trưởng Phòng TN-MT huyện Cần Giờ, cho rằng quy trình, thủ tục tốn rất nhiều thời gian. Riêng khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất theo quy định, niêm yết công khai đã hết hai tháng rưỡi. Sau đó lấy ý kiến nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan ban ngành trên địa bàn kéo dài cả tháng chưa xong. Một điểm khó nữa là các dự án về an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm, cấp bách của địa phương phải chờ cấp vốn mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Quá trình lập kế hoạch sử dụng đất phải thông qua tổ liên ngành thẩm định cũng tốn nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi, thông tin nhiều năm nay người dân phàn nàn về kế hoạch sử dụng đất. Lần nào tiếp xúc cử tri, vấn đề này đều bị nêu lên và cử tri bày tỏ bức xúc, muốn kế hoạch sử dụng đất được duyệt đúng thời gian quy định.

Ở hướng tiếp cận khác, ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết kế hoạch vốn hằng năm có 2 đợt, đầu năm và giữa năm nên các dự án đầu tư công phải chờ ghi vốn. Đây là một trong những lý do quận chậm trình kế hoạch sử dụng đất.

Cũng theo ông Chánh, hiện nay 16 quận thực hiện chính quyền đô thị nên hằng năm các địa phương này phải tổng hợp trình Sở Tài chính để được phân bổ vốn mới có vốn đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất. "Có vốn mới đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn được nhưng phân bổ về cũng chậm. Như năm ngoái tới tháng 1 vốn mới về địa phương, lúc đó bắt tay vào lựa chọn tư vấn rất khó kịp... Do đó cũng không thể thực hiện trước 31-12 năm trước được vì phụ thuộc vào vốn" - ông Nguyễn Minh Chánh nói.

Nên bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm

Nói về kế hoạch sử dụng đất hằng nằm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết có 3 khâu. Thứ nhất là khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất. Ở khâu này liên quan đến tài chính nhưng nhiều khi đơn vị thực hiện lại không có chuyên môn. Đây là khâu các quận, huyện thường bị chậm nhất.

Khâu thứ hai, khi đã chọn được đơn vị tư vấn, một số địa phương phải thông qua Ban Thường vụ hoặc thông qua HĐND vì kế hoạch sử dụng hằng năm là cơ sở rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khâu này cũng chậm. Khâu thứ ba, quá trình duyệt thì quận, huyện "năn nỉ" chờ cấp các dự án được vốn để đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

TP HCM: Gỡ khó cho kế hoạch sử dụng đất - Ảnh 3.

Theo quy định, dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhưng quá 3 năm không triển khai thì điều chỉnh hủy bỏ. Trong ảnh: Một dự án tại huyện Bình Chánh hơn 20 năm chưa xong do vướng bồi thường

"Đây là 3 khâu chậm, Sở TN-MT phải chờ, dẫn đến chậm" - ông Nguyễn Toàn Thắng nói và cho rằng với những bất cập, vướng mắc như hiện nay, các khâu chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm tốn nhiều thời gian, gần như không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định.

Giám đốc Sở TN-MT TP HCM nêu ý kiến để sử dụng đất hiệu quả, TP HCM cần được cho cơ chế không lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Lý do, đã có kế hoạch sử dụng đất 5 năm được phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất 10 năm thì có quy hoạch xây dựng. Ông Thắng cho rằng lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm mang tính hình thức. Từ thành phố đến sở, ngành và địa phương mỗi năm đều phải lo tập trung để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, rất mất thời gian, vừa làm xong năm này đã chuẩn bị lo năm sau.

Giám đốc Sở TN-MT cho biết thành phố đã kiến nghị bỏ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai. 

Tạo gánh nặng cho cán bộ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng kế hoạch sử dụng đất tạo ra "gánh nặng" công việc cho cán bộ và chỉ nên áp dụng với lĩnh vực đầu tư công.

Theo ông Lê Hoàng Châu, nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng nhiều công cụ, trong đó quy hoạch mới là yếu tố định hướng các mục tiêu phát triển chứ không phải là kế hoạch sử dụng đất. Chỉ nên lập kế hoạch sử dụng đất đối với đầu tư bằng ngân sách nhà nước hoặc để tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá, đấu thầu.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, nhận định nếu quy hoạch tốt theo Luật Quy hoạch hiện nay và tích hợp sử dụng đất thì TP HCM sẽ thuận lợi trong vấn đề đất đai.

TS Trần Du Lịch cho rằng trên địa bàn thành phố đã đầy đủ quy hoạch phân khu 1/2.000 nên không cần kế hoạch sử dụng đất, cứ thực hiện theo quy hoạch là được.

Theo Quốc Anh/ NLĐ

https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-go-kho-cho-ke-hoach-su-dung-dat-20221009215747059.htm

  • Từ khóa

Cục Cảnh sát giao thông: Giữ nguyên phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết việc sử dụng rượu bia khi lái xe gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và liên quan đến các hành vi khác như giết...
19:03 - 17/05/2024
53 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa

Chiều tối ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh...
08:34 - 17/05/2024
302 lượt xem

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
317 lượt xem

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ"

Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành về trường hợp "sư Thích Minh Tuệ"
00:19 - 17/05/2024
547 lượt xem

Bà Bùi Thị Minh Hoài được bầu vào Bộ Chính trị

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khoá XIII, trong đó có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương...
19:26 - 16/05/2024
642 lượt xem