Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Theo kế hoạch, dự án Luật đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 4 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật tại phiên họp thứ 18 (tháng 12-2022).
Thời gian lấy ý kiến nhân dân dự kiến trong khoảng từ tháng 1 đến 2-2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo. Song "có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của dự án luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm".
Các vấn đề lớn xin ý kiến nhân dân sẽ thể hiện bằng văn bản được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận.
Đồng thời với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu hai phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.
Việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân được thực hiện dưới các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thông qua cổng thông tin điện tử và các hình thức phù hợp khác.
Kế hoạch cũng nêu rõ yêu cầu, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Yêu cầu đặt ra đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) là thể chế hóa đúng, đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp.
Đặc biệt là 8 nhóm vấn đề trọng tâm trong hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong nghị quyết số 18 của trung ương.
Cụ thể gồm đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai.
Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Theo Thành Chung/Tuổi trẻ
https://nhadat.tuoitre.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-thao-sua-luat-dat-dai-vao-dau-nam-2023-20221004131539393.htm