Sáng nay (20/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua.
Cùng với các hội nghị về phát triển thị trường vốn, hội nghị về thị trường bất động sản, Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” cho thấy Chính phủ ra tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường – một trong "4 ổn định" trong trọng tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kết nối đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, LĐ-TB&XH, VHTT&DL, GD&ĐT, Công an, Ngân hàng Nhà nước..., Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và đại diện một số tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH sẽ trình bày Báo cáo tình hình thị trường lao động thời gian qua; nhận diện những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức hiện nay để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhanh, hiệu quả để làm cơ sở phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hội nghị cũng sẽ lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng DN do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, đề cập đến bối cảnh chịu tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến thị trường lao động Việt nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, hai thách thức nổi lên là: thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa khiến cho yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng thay đổi nhanh hơn, chu kỳ thay đổi cũng ngắn hơn.
Tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị những giải pháp để phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần hết sức chú trọng chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bởi lẽ, con người luôn phải là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
Hội nghị cũng là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Hội nghị là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Theo đó, khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi 2 nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/tong-thuat-thu-tuong-lang-nghe-hien-ke-phat-trien-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hien-dai-ben-vung-va-hoi-nhap-102220819224425762.htm