Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tối 22/7, tại Quảng trường Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”, do Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Trước khi tham dự chương trình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc, Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Đền thờ Đồng Lộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi vòng hoa tưởng niệm.
Các đồng chí lãnh đạo thắp hương tưởng niệm tại khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, trên khắp mọi miền của tổ quốc đã có biết bao dấu tích chiến công hiển hách. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào huyền thoại, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Hà Tĩnh có tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc có vị trí trọng yếu, trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình người có công ở tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chỉ tính từ năm 1964-1968, Ngã ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Trong đó, sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đó là kết tinh cao đẹp nhất của tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, nhân phẩm và khát vọng hòa bình, đã viết nên một huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc trong thế kỷ XX.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng sổ tiết kiệm cho người có công ở tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc" thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Đồng thời, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, cuộc sống mới đã hồi sinh trên chiến trường ác liệt năm xưa. Những tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một cảnh trong vở kịch ngắn “Những bông hoa bất tử” tái hiện lại cuộc sống, chiến đấu của các nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc – Ảnh: VGP/Đình Nam
"Trên mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa, đang là một động lực đổi mới, một Hà Tĩnh khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ, vững bước đi lên cùng đất nước. Đây chính là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha anh", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ và đề nghị "Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp nối truyền thống văn hoá anh hùng và cách mạng của quê hương, khơi dậy ý chí, khát vọng của con người Hà Tình tiếp tục viết lên những kỳ tích núi Hồng, sông La mới".
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc" có điểm nhấn là vở kịch ngắn "Những bông hoa bất tử", cùng các bài hát đi cùng năm tháng, các màn múa đã tái hiện sự khốc liệt trong những năm tháng chiến tranh, "mưa bom, bão đạn", với khát khao tuổi trẻ, của hoài bão, của hi vọng, không bao giờ bị khuất phục. Tất cả tạo nên một bản tráng ca lắng đọng, khơi gợi cảm xúc của người xem về tình yêu, niềm tự hào luôn cháy bỏng trong tim hai chữ "quê hương".
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/ban-trang-ca-coi-thieng-dong-loc-102220722215634332.htm