Theo trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, qua điều tra đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, người phạm tội đã 'tâm phục, khẩu phục', nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an - Ảnh: Gia Hân
Thảo luận tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - cho hay về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, Đảng ủy Công an trung ương đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, quyết liệt nhiều giải pháp tạo được sự chuyển biến, rõ nét.
Trong đó, gương mẫu đi đầu trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm các tầng, nấc trung gian, thực hiện tốt chủ trương bố trí 100% giám đốc công an tỉnh, thành phố, trưởng công an cấp huyện không là người địa phương; 100% các xã có công an chính quy.
Cạnh đó, quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chủ động phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đã xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền trên 500 người, trong đó, 86 người về trách nhiệm người đứng đầu.
Cũng theo ông Ngọc, trong 10 năm, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã có hàng nghìn báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo", xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ giai đoạn 2012-2015.
Tham mưu thực hiện tốt hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, thoái vốn, đấu thầu, đấu giá tại các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, đưa giá trị xuất khẩu, giá trị một số mặt hàng quay về giá trị thực.
Cụ thể, giai đoạn vừa qua, tại một số bệnh viện trung ương, giá của các vật tư, thiết bị tiêu hao đã giảm từ 20 - 40%, điển hình như máy CT 128 lớp đã giảm từ 40 tỉ xuống 25 tỉ đồng.
Trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp của ngành đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng tiếp tục có những bước tiến mới.
Điểm nổi bật đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người", điển hình là các vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín nhưng đều được phát hiện, điều tra điển hình là vụ Công ty Việt A; vụ Tân Hoàng Minh, FLC...
Qua điều tra, đã làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, các đối tượng đã "tâm phục, khẩu phục", nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên, "một số trường hợp chưa biết sợ".
Ông dẫn chứng vào tháng 4-2020 khi mới bắt đầu vào đại dịch COVID-19 đã xử lý vụ CDC Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tuy nhiên, vừa qua vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Đây là việc chưa biết sợ của một nhóm đối tượng.
Từ thực tế đó, thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm việc tháo gỡ khó khăn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời...
Kiến nghị xây dựng Luật đạo đức Nêu ý kiến thảo luận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến gay go, phức tạp, không chỉ trong nội bộ đảng mà cả đối tượng khác ngoài xã hội tham gia. Đồng thời, không chỉ đấu tranh với người khác mà đấu tranh với chính mình, không ai có thể nói trước được điều gì nếu không ý thức giữ gìn và không biết sửa chữa sai phạm của mình. Do đó, bên cạnh áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, ông Trí đề nghị cần thiết xây dựng ban hành Luật đạo đức để giáo dục cả cộng đồng, xã hội chứ không chỉ bằng nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên. Phải giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm. |
Theo Thành Chung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-cong-an-xu-ly-tham-nhung-rat-quyet-liet-nhung-mot-so-truong-hop-chua-biet-so-20220630143700887.htm