Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bày tỏ nhất trí sự cần thiết với cả 5 tuyến đường này. Bà cho rằng đây là động lực kết nối, phát triển kinh tế địa phương, liên kết vùng sắp tới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, dự án vành đai là một trong số địa phương nằm trong tuyến đường dự án đường vành đai 4 đi qua. Theo đó, sẽ có khoảng 25,4 km đường vành đai 4 và hơn 9 km đường kết nối với sân bay Nội Bài, giúp Bắc Ninh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp trong tương lai.
Là một trong các tỉnh nằm trong dự án vành đai 4, bà Lan cho biết, việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất hiện nay, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn cả T.Ư, địa phương.
Bà Lan cũng cho biết, theo phương án ban đầu, Chính phủ đề nghị phát hành trái phiếu cho các địa phương vay, nhưng khi thẩm tra thì cho thấy phương án này không phù hợp. Từ đó, bà Lan đề nghị cần tính toán đảm bảo vốn thì cho phép các tỉnh sử dụng các nguồn từ nguồn cải cách tiền lương.
"Chẳng hạn, Bắc Ninh hiện ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định thì vẫn còn một nguồn dự phòng, thì cũng đề nghị cho phép áp dụng nguồn lực cải cách tiền lương để triển khai các dự án quan trọng, như dự án tuyến đường cao tốc đi qua địa phương. Trường hợp thiếu, địa phương sẽ xin T.Ư cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu", bà Lan nêu.
Từ đó, Bí thư Tỉnh Bắc Ninh đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, ghi rõ trong nghị quyết (thông qua chủ trương dự án) của Quốc hội để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không tán thành với đề nghị này. Chủ tịch Quốc hội nói: “Không nên đặt ra ở đây vì đụng chạm tới Nghị quyết T.Ư về cải cách tiền lương”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hàng tháng, mà tiền lương không phải chi một lần, đây là khoản chi thường xuyên hằng năm.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, nhiều địa phương nghĩ đủ tiền cải cách tiền lương là chỉ chi 1 năm thôi, không phải vậy. Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương 1 năm thì nhiệm kỳ 5 năm phải có sẵn 25.000 tỉ đồng. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều.
Bên cạnh đó, sau Covid-19, dự trữ tài chính cũng tiêu một khoản rồi. Giờ hàng năm muốn điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức mà không được.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, chúng ta đã hoãn việc cải cách tiền lương vài năm rồi, và 3 năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức, nên cần dành nguồn tiền này cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác.
"Cho nên, Quốc hội đã có nghị quyết, quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. Phải dành nguồn này cho cải cách tiền lương", Chủ tịch Quốc hội nói, và cho biết Chính phủ, Thường vụ Quốc hội lần này trình, báo cáo Quốc hội cũng không đặt ra vấn đề dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai này.
“Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cao tốc”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đã làm đâu mà biết khó hay không khó?
Về giải pháp nguồn vốn của các địa phương, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các địa phương tự phát hành trái phiếu là một giải pháp. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ban đầu Chính phủ trình phát hành trái phiếu để cho địa phương vay lại nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý.
"Chính phủ phát hành rồi cho địa phương vay lại thì địa phương lại thành nợ công của Chính phủ. Địa phương cần huy động thì địa phương huy động đi. Địa phương bảo chúng em khó huy động thì đã làm đâu mà biết là khó hay không khó", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu địa phương đứng ra vay thì mới có trách nhiệm hoàn trả. "Phàm người khác vay đưa cho anh tiêu thì anh không có trách nhiệm đâu. Nên cái đó cương quyết, chúng tôi dứt khoát không đồng tình chuyện đấy", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cả 5 dự án cao tốc trình Quốc hội lần này đều áp dụng rất nhiều chính sách đặc thù, do đó cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu.
Ông cho biết, các địa phương phải cam kết bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư, đồng thời khi điều chỉnh tăng vốn thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm để hoàn thành dự án. Thứ 3 là vốn cho dự án phải nằm trong cân đối trung hạn của địa phương.
"Chứ không phải vẽ ra để báo cáo cho nó xong", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.