Thảo luận tại hội trường sáng 3/6, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Chính sách rất nhân văn
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ tán thành cao với đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đại biểu phân tích thêm, thứ nhất, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.
Theo thống kê, trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67 % mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2; cá biệt có 4,7 % không biết chữ 54 %, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.
Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.
Thứ hai, là vì lý do bất khả kháng, nhiều trại đã không tổ chức tốt việc lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Về nguyên tắc, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được tiến hành trong trại là tốt nhất.
Thời gian qua phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện một số trại, do nhiều trại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn, không thuận tiện dẫn tới chi phí sản xuất cao, nên các doanh nghiệp không đầu tư.
Thứ ba, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên thì thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức thí điểm bước đầu cho phạm nhân lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo với Quốc hội.
Theo báo cáo, tại nhiều điểm lao động cũng đã giúp đa dạng hóa các ngành nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ là làm nông nghiệp và tại nhiều điểm lao động thì còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi.
Thứ tư, cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề tại ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.
Thứ năm, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1 phần 2 thời hạn tù có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam thì cũng cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm.
Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Không giới hạn ngành nghề
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến, tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an quy định tại Khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị quyết.
Tinh thần chung của Nghị quyết nhằm thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện việc thí điểm và bảo đảm tính khả thi của thí điểm. Do vậy, dự thảo nghị quyết quy định các chính sách ưu đãi; trong đó có chính sách miễn thuế thu nhập.
Tuy nhiên, tại Điểm d, khoản 3, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết quy định về miễn thuế thu nhập lại chỉ quy định miễn thuế thu nhập đối với tổ chức. Do đó, để đảm bảo tính công bằng trong chính sách ưu đãi, đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung Điểm d, khoản 3, Điều 1 theo hướng miễn thuế thu nhập đối với các tổ chức và cả các cá nhân hợp tác với trại giam.
Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại giam.
Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu cho rằng, đó là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người cối tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.
Để tạo điều kiện tổ chức cho phạm nhân thường xuyên có môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền sản xuất sát với yêu cầu thị trường, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Qua đó, tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.
Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài được thông qua sẽ tác động tích cực đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân có cơ hội tiếp cận môi trường lao động thực tế, tăng cường kỹ năng, trình độ lao động, có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống, thuận lợi để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị, Chính phủ giao cho công an kịp thời rà soát các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có ngành nghề phù hợp, hợp tác với trại giam, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo khu quản lý giam giữ phạm nhân an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức, lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài xảy ra.
Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Cần có chính sách ưu đãi
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khẳng định, việc tổ chức lao động học tập phù hợp cho phạm nhân là nhằm tạo cơ hội để họ tự cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội, tạo thuận lợi chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân sau khi hoàn thành việc chấp hành án.
Vì vậy, đại biểu Lê Nhật Thành nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Nghị quyết cũng tạo cơ chế để phạm nhân có thêm điều kiện được lao động hướng nghiệp, học nghề phù hợp và tự cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, tạo thuận lợi và cơ hội có việc làm khi họ tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội; tăng khả năng thu hút, huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước với những đối tượng đặc thù trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động này, giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Theo Hải Minh - Ngọc Trang/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/day-nghe-cho-pham-nhan-ngoai-trai-giam-giup-con-duong-tro-ve-cua-pham-nhan-ngan-lai-W5dtqEr7R.html