Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ cho biết mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng đăng thông tin WB công bố báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" tháng 3, trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà phục hồi, đồng thời đưa ra một số lưu ý đối với Việt Nam thời gian tới.
Cụ thể, WB khuyến cáo cơ quan chức năng Việt Nam nên khuyến khích các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của ngành xuất khẩu trong bối cảnh mới; cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước do giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của WB theo thẩm quyền và theo chức năng, nhiệm vụ; báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
Trước đó, báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 3 của WB cho biết các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, có thể chưa phản ánh hết ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đến sản xuất.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,1% trong tháng 2. Các chuyên gia cũng cho rằng con số có thể chưa nắm bắt đầy đủ tác động của đợt gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng trong nửa cuối tháng 2 trong xu hướng giảm trong mức độ di chuyển, đặc biệt là đến các địa điểm bán lẻ và giải trí.
Trong khi đó, dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu.
WB nhận định nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, tuy nhiên, rủi ro tiêu cực đang tăng cao do các ca nhiễm biến chủng Omicron đang quét qua cả nước và xung đột Nga - Ukraine gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. Giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Do đó, cần tiếp tục triển khai tiêm liều vắc-xin tăng cường và ban hành hướng dẫn y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát làn sóng Omicron.
Theo Văn Hưng/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-giao-nghien-cuu-khuyen-cao-cua-ngan-hang-the-gioi-20220328195605377.htm