Văn phòng Chính phủ phát đi Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 13 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng kết luận, dịch bệnh Covid-19 trong những tuần vừa qua có tăng cao trên diện rộng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước
Thủ tướng kết luận, dịch bệnh Covid-19 trong những tuần vừa qua có tăng cao trên diện rộng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Nhiều mục tiêu về kiểm soát dịch bệnh vẫn được bảo đảm. Cụ thể, so với tháng trước, số ca mắc mới tăng nhiều trên diện rộng (tăng 197%) nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca nặng giảm 43%; số ca phải nhập viện điều trị giảm 24,5%; tỷ lệ ca tử vong trên tổng số ca mắc đã giảm từ 1% của tháng trước còn 0,2%.
Cả nước đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, đạt tỷ lệ bao phủ vaccine như đã đề ra và ở mức cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực; đã hoàn thành thủ tục mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Việt Nam cũng đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của WHO về việc tiêm vaccine mũi 4.
Đã và đang thực hiện đúng hướng, kết hợp hiệu quả, linh hoạt việc điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà đối với người nhiễm SARS-COV-2, kiểm soát rủi ro và đạt nhiều hiệu quả rõ rệt trong kiểm soát ca mắc, giảm ca chuyển nặng và giảm tử vong.
Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng trong bảo đảm thuốc điều trị Covid-19, đáp ứng đồng bộ các yêu cầu về bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp quy định của pháp luật trong bối cảnh cấp bách, chưa có tiền lệ. Đã tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước, tích cực đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính song vẫn bảo đảm các yêu cầu, quy trình, quy định về chuyên môn, khoa học, tính an toàn, hiệu quả của vaccine theo quy định.
Về cơ bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Hoạt động xã hội hóa, hợp tác công tư trong phòng, chống dịch tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc theo lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư. Nhờ kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh mà các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, có hiệu quả.
Nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu
Từ thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua, rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, nhân dân, doanh nghiệp có thêm nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, tạo nền tảng, cơ sở đế tiếp tục kiên trì, kiên định, thực hiện chủ động hơn, nhất quán hơn các giải pháp phòng, chống dịch.
Vắc xin là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch; cần tiếp tục thần tốc tăng nhanh độ bao phủ vắc xin phòng bệnh. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị để ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Tiếp tục đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, nhất là yêu cầu 5K; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình và đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch của cộng đồng, của đất nước. Tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, trong đó có xã hội hóa nguồn lực, bảo đảm tính chủ động, tích cực, hiệu quả trong phòng, chống dịch ngay từ cơ sở.
Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; thuận lợi, thời cơ ít hơn khó khăn và thách thức, đòi hỏi các ngành, các cấp tiếp tục đề cao cảnh giác tuyệt đối không lơ là, chủ quan; phải luôn bám sát tình hình, thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh Covid-19.
Tập trung thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục ngăn chặn dịch, bệnh lây lan, không để quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và không gây hoang mang trong Nhân dân; kiểm soát hiệu quả rủi ro, ngăn chặn tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong điều kiện thế giới có nhiều biến động phức tạp.
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tiêm chủng
Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Kiên trì, tổ chức tốt việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác", vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong phạm vi, điều kiện cụ thể tại cơ sở.
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trong việc tiêm vắc xin; tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tiêm chủng, không để sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý 1/2022; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi vaccine được phân bổ; tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiêm chủng tại địa phương, Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm vaccine. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện các công nghệ phục vụ phòng, chống dịch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tự bảo vệ bản thân và gia đình, cộng đồng.
Tăng cường hướng dẫn điều trị tại nhà
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; hướng dẫn về điều trị, kê đơn thuốc phù hợp, giảm các thủ tục hành chính, triển khai thống nhất trên toàn quốc; tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế để không quá tải hệ thống y tế, nhất là tại tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao, người lao động; hướng dẫn cách kê đơn thuốc điều trị thống nhất, phù hợp; điều chỉnh, cập nhật các quy định về xét nghiệm, thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe... F0, F1, người nhập cảnh, nghiên cứu việc công bố các chỉ số, số liệu liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình và thông lệ quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để bám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm khoa học, an toàn, linh hoạt, hiệu quả và thống nhất trên toàn quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn các quy định tạo điều kiện cho việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về an sinh xã hội.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền bảo đảm kịp thời, chính xác, có chất lượng, định hướng để người dân tự giác tham gia phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, tích cực đẩy lùi tiêu cực", ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống đối công tác phòng, chống dịch.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong phòng, chống dịch cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên trì, bình tĩnh, chắc chắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Theo Ngọc Ánh/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dich-benh-tang-cao-nhung-van-trong-tam-kiem-soat-tren-pham-vi-ca-nuoc-LWQQ5pEng.html