Sáng 21/2, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp công dân tại trụ sở Bộ. Tiếp người thương binh chưa được hưởng chế độ từ năm 1975, Bộ trưởng mừng vì đầu năm giúp được một người có công…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp công dân tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sáng 21/2/2022 (ảnh: Giáp Tống).
"Tôi hứa gia đình không phải đi đâu nữa"
Hai anh em cụ Khúc Văn Long, Khúc Văn Ngàn dắt tay nhau vào phòng tiếp công dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Long ấp úng trình bày, ông Ngàn, em trai giúp diễn giải lại. Ông Long có chứng nhận thương binh từ tháng 9/1975 với tỷ lệ thương tật 45% nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định.
Ông Ngàn vặn vẹo đôi tay chai sần, phân trần: "Anh tôi yếu rồi, vì bệnh tật. Gia đình tôi đã nhiều lần làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên nhưng vẫn chưa được giải quyết vì cán bộ Sở nói lỗi ở anh tôi, sao thuộc diện người có công, chính sách mà khi rời đoàn an dưỡng không lên tiếng đòi quyền lợi ngay. Đúng là anh tôi cũng có lỗi, chậm nhưng…".
Ông Long, tóc bạc trắng, gật gật đầu nhưng đôi bàn tay lại xua xua, dường như cố gắng muốn nói gì thêm.
Đỡ người thương binh già ngồi xuống ghế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung trực tiếp trao đổi với hai anh em cụ Long, Ngàn. Ông cho biết đã từng đọc hồ sơ về trường hợp của ông Khúc Văn Long và chính ông đã yêu cầu giải quyết chế độ với người thương binh này.
"Tôi khẳng định dứt khoát phải công nhận thương binh, khôi phục chế độ với bác Long trong trường hợp này. Không thể đổ lỗi cho bác Long, cho công dân được. Lỗi chủ yếu trong việc này là của các cơ quan chuyên môn, là trách nhiệm của nhà nước. Các cơ quan, trong trường hợp này, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm" - Bộ trưởng tuyên bố yêu cầu khôi phục lại toàn bộ chế độ quyền lợi với thương binh Khúc Văn Long từ năm 1975 đến nay, chứ không chỉ giải quyết phụ cấp.
Bắt tay 2 "lão tướng" tại phòng tiếp công dân một lần nữa, kiểm chứng lại cả vết thương còn để lại sẹo dài trên nửa mái đầu bạc trắng của ông Khúc Văn Long, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH động viên, gia đình yên tâm, không phải đi đâu để giải quyết việc này nữa.
Bộ trưởng xem vết thương, động viên người thương binh chưa được hưởng chế độ từ năm 1975 yên tâm an dưỡng, giữ sức khỏe.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tôi xin hứa, từ thời điểm bác được xác định bị thương, được cấp thẻ thương binh sẽ phải được giải quyết chế độ từ thời điểm đó, như hồ sơ thể hiện thì bác được hưởng chế độ từ tháng 10/1975 tới giờ (hơn 40 năm). Nếu Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên còn không chấp hành, giải quyết, tôi sẽ xử lý dưới Sở".
Tiễn anh em ông Long, ông Ngàn dắt nhau rời phòng tiếp dân, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Thanh tra Bộ liên lạc ngay với Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên về việc này. Cuộc điện thoại nhanh của Chánh Thanh tra sau đó cho thấy, Sở cho biết cuối năm 2021 đã ra quyết định công nhận thương binh đối với ông Long, hiện đang làm văn bản gửi lên Bộ đề nghị truy lĩnh chế độ cho ông Long từ năm 1975 đến nay.
Người đứng đầu Bộ thở phào: "Còn bao nhiêu những con người "kêu" mãi không thấu vậy? Thôi cũng mừng, đầu năm chúng ta giải quyết được chế độ với một người có công, thiệt thòi bao lâu nay như vậy".
Đồng hành, ủng hộ công dân đấu tranh chống tiêu cực
Tiếp một trường hợp khác là ông Dương Bảo Ngọc (xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên), Bộ trưởng nghe người Đảng viên đã 45 năm tuổi Đảng trút nhiều bức xúc về những biểu hiện nghi vấn về hành xử của cán bộ địa phương, cơ sở, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết 54 năm 2016 về giải quyết chế độ người có công. Theo phản ánh, có nhiều trường hợp là cán bộ xã làm hồ sơ đưa con em gia đình vào danh sách nạn nhân chất độc da cam để hưởng chế độ bằng cách "mua", "chạy" giấy tờ chứng nhận, giám định.
Ông này dẫn chứng một cháu bé con lãnh đạo xã không may chết đuối năm 1986, người dân địa phương đều biết, chứng kiến mà giờ hồ sơ được lập là trẻ dị tật, khòeo thọt, động kinh, chết vì hậu quả chất độc da cam năm đó.
Trong buổi sáng 21/2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo với 8 lượt công dân.
Tiếp nhận đơn tố giác của ông Ngọc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ cảm kích vì tinh thần trách nhiệm cao của một người Đảng viên, cựu chiến binh khi không đi kêu, cầu cho mình mà sẵn sàng đấu tranh vì sự trong sạch, minh bạch trong thực hiện chính sách nói chung, nhất là chính sách với người có công. Bộ trưởng giao Thanh tra Bộ thanh tra toàn bộ xã Hoàng Hanh về vấn đề giám định các trường hợp nhận chế độ nạn nhân chất độc hóa học như phản ánh của ông Ngọc.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách ưu đãi người có công đã từng bộc lộ ở một số địa phương. Bộ LĐ-TB&XH từng tranh tra toàn diện các trường hợp vướng mắc ở Thái Bình, Thanh Hóa… cũng như vẫn tiếp tục thanh tra với hoạt động này trên toàn quốc.
Bộ trưởng nhắc nhở lãnh đạo Thanh tra Bộ, Cục Người có công xem xét các trường hợp được phản ánh, cần thiết thì rút hồ sơ lên Bộ kiểm tra cho công tâm, khách quan.
Tương tự, với trường hợp 2 công dân phản ánh về hiện tượng cán bộ "ăn chặn" tiền chế độ xóa nhà dột nát cho gia đình chính sách ở một xã tại Hà Nội, Bộ trưởng nhấn mạnh, chủ trương xóa nhà dột nát là một chính sách nhân văn mà TP Hà Nội rất quyết tâm để thực hiện. Một số trường hợp áp dụng chính sách sai đã được thu hồi, khắc phục. Còn những trường hợp tiếp tục được phản ánh, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cũng như Bộ có trách nhiệm cũng phối hợp rà soát, kiểm tra. Bộ sẵn sàng cùng theo dõi, ủng hộ các công dân trong việc đấu tranh để đảm bảo công khai minh bạch, thực hiện chính sách một cách công bằng.
"Người dân tự "kêu" thì còn phải nghĩ chứ đã "kêu" cho người khác thì là vấn đề rất cần chú ý. Tôi đề nghị cán bộ các cấp thỉnh thoảng bất ngờ xuống dưới cơ sở để nghe, xem thực tế hình tình, cần thì tập trung những địa bàn nóng, có nhiều biểu hiện, đơn thư, không để người dân bức xúc kéo dài" - Bộ trưởng yêu cầu.
Theo Thái Anh/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tiep-nguoi-thuong-binh-lo-che-do-bo-truong-dao-ngoc-dung-giai-quyet-ngay-20220221104824382.htm