Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tính toán kết quả, "cam kết đầu ra" của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hơn 346.000 tỉ đồng
Ngày 7-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Nhiều địa phương muốn có cao tốc
Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự kiến trong năm 2022-2023.
Cụ thể: Dành 60.000 tỉ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 53.150 tỉ đồng bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; 110.000 tỉ đồng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; 113.850 tỉ đồng phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.
Trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển có quy mô 346.000 tỉ đồng này, các đại biểu (ĐB) QH dành nhiều sự quan tâm đến đầu tư cho kết cấu hạ tầng với gần 114.000 tỉ đồng.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ĐB Trần Đình Văn cho rằng đây là thời điểm "vàng" để đầu tư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ, kích cầu kinh tế.
Thảo luận từ các điểm cầu, nhiều ĐB ở các địa phương như Cao Bằng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định đã đồng loạt kiến nghị ưu tiên sử dụng nguồn lực trong gói này để xây dựng cao tốc qua địa phương. ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị QH xem xét dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 19.616 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công thay vì đối tác công tư (PPP).
"Nếu đầu tư PPP thì khó khăn trong việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư trong điều kiện dịch bệnh, chậm trễ trong triển khai dự án. Trong khi đó, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm tiêu chí đầu tư công, là tuyến đường huyết mạch, liên kết vùng" - ĐB Hùng đề xuất.
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị trong gói cơ sở hạ tầng cần ưu tiên những tuyến cao tốc mang tính quan trọng, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế. Bà Dung cho rằng cao tốc qua tỉnh Thái Bình sẽ giúp tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển nên đề nghị Chính phủ xem xét. ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị Chính phủ đưa dự án kết nối cao tốc từ TP Cao Bằng đến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư 1.350 tỉ đồng. Vị đại biểu dùng từ "tha thiết" để đề xuất QH, Chính phủ về dự án này.
Đề nghị tăng hỗ trợ
Nguồn lực trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH dành cho bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cũng là nội dung quan trọng được các ĐB quan tâm và đưa ra nhiều đề xuất để Chính phủ xem xét.
Bà Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường lao động, bởi lao động và việc làm bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. "Nếu không phải công chức thì hầu như đang phải đối mặt với vấn đề việc làm, nhất là tình trạng mất việc, giảm, giãn việc. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả thì nay lại càng khó khăn hơn" - ĐB Thủy bày tỏ.
Dự thảo chính sách tài khóa thiết kế bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỉ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và chỉ dành cho khu vực chính thức, bà Thủy đánh giá đề xuất chưa phù hợp. Do đó, vị ĐB kiến nghị tăng kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức. Đồng thời, dành kinh phí thỏa đáng hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động quay trở lại làm việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường Diên Hồng ngày 7-1Ảnh: Nguyễn Nam
ĐB Nguyễn Thanh Phương (đoàn TP Cần Thơ) thống nhất với việc tiếp tục chi đầu tư cho 21 trường CĐ nghề chất lượng cao của các bộ và 14 trường của các địa phương. Theo dự kiến, vùng ĐBSCL chỉ có Trường CĐ Long An và Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào diện đầu tư là quá ít. Ông kiến nghị cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho vùng này nhằm giải quyết vấn đề đào tạo lao động có tay nghề.
Ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động thông qua doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) kiến nghị Chính phủ tính toán thêm đối với những người lao động phi chính thức, lao động tự do.
"Nhóm đối tượng này có thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề. Họ rất dễ bị tổn thương trước tác động bên ngoài và đại dịch nên cần có cơ chế hỗ trợ lao động khu vực này để bảo đảm công bằng" - ĐB Tô Văn Tám kiến nghị.
Cam kết đầu ra gói hỗ trợ
Cho rằng việc ban hành các chính sách để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là rất thiết, nhưng ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị chương trình cần cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm và có những cam kết "sản phẩm đầu ra".
Theo bà Mai, chúng ta chấp nhận bội chi, đi vay để sau này thu hồi được kết quả lớn hơn. "Với hơn 346.000 tỉ đồng bỏ ra cho phục hồi kinh tế, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?" - ĐB đặt câu hỏi tại phiên thảo luận về đề nghị Chính phủ cần đưa ra những cam kết cụ thể, có tính toán rõ ràng về hiệu quả của chương trình.
Vị ĐB đoàn Hà Nội cho rằng không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách. "Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng và thành tích. Vì thế, vấn đề cốt lõi cần đạt được là thực chất và hiệu quả. Nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả" - bà Mai nhấn mạnh.
Bày tỏ băn khoăn khi thực hiện nhóm chính sách hỗ trợ đối với lao động, việc làm, ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) kiến nghị cần rà soát đúng đối tượng, đúng tiêu chí, tránh xảy ra sai sót, nhầm, lọt đối tượng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra, hướng dẫn nội bộ để không xảy ra sai sót, tiêu cực, trục lợi chính sách của chương trình. Đối với các dự án đầu tư công áp dụng cơ chế chỉ định thầu, ông Thắng cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ và có cơ chế gắn trách nhiệm.
Về việc phân bổ các nguồn lực, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) kiến nghị Chính phủ xem xét, xác định các chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trọng tâm, then chốt, còn chính sách kinh tế vĩ mô là công cụ mang tính hỗ trợ. Theo ông, tại tờ trình của Chính phủ dự kiến phân bổ 60.000 tỉ đồng cho ngành y tế (chiếm 17,3% tổng gói hỗ trợ) là không tương xứng vai trò tuyến đầu của ngành y tế trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm ngân sách cho ngành y tế nhằm tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng y tế.
Ngày 10-1, QH tiếp tục thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số luật.
Đề nghị nâng cao năng lực ngành y tế
Tại điểm cầu TP HCM, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nâng cao năng lực của ngành y tế để phòng chống dịch bền vững trong điều kiện mới. Theo đó, phải khẩn cấp hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành y tế và củng cố lực lượng của ngành y tế.
"Vừa qua, ngành y tế đã lao động, làm việc hết sức mình. Phải nói quá tải rất cao, không thể để tình trạng này kéo dài" - ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói và cho rằng cần triển khai nhanh đề án tổ chức lực lượng y tế cơ sở, các đơn vị điều trị theo vùng, đổi mới chính sách chế độ với cán bộ ngành y tế để tiếp tục thu hút nhân tài.
Phân bổ nguồn vốn hài hòa
Làm rõ thêm một số vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, KT-XH nói chung để đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách.
Về huy động nguồn lực, Chính phủ xác định cải cách thuế chống thất thu, huy động vốn nguồn trái phiếu, vay ODA và nguồn vốn nước ngoài trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ phân bổ nguồn vốn hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới trong phát triển, bảo đảm công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su/can-tinh-toan-hieu-qua-cua-goi-phuc-hoi-kinh-te-20220107213316033.htm