Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ định hướng cho đội ngũ những người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, giàu tính chiến đấu, nhân văn
Sáng 31-12, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (viết tắt: Đại hội) nhiệm kỳ 2020-2025, khai mạc tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp hội, 63 hội nhà báo tỉnh - thành phố, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc trung ương hội.
Báo chí là diễn đàn tin cậy của nhân dân
Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trình Đại hội, những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và điện tử.
Sự phát triển nhanh của báo chí điện tử, kết hợp công nghệ hiện đại, mở ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, tiếp nhận thông tin của công chúng. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động chống phá bằng nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc...
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI Ảnh: TRẦN NGÔ
Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế: Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng cổ vũ nhân tố mới, người tốt việc tốt, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn; một số ít người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm...
Phát huy truyền thống vẻ vang
Trước đó, phát biểu khai mạc Đại hội trù bị diễn ra trong sáng 30-12, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh Đại hội tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho Đại hội là đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về "Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới", triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới".
Đại hội sẽ tập trung thảo luận, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành; thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội. Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của hội trong nhiệm kỳ tới.
Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Tại phiên họp trù bị chiều 30-12, Đại hội đã thảo luận thông qua số lượng, cơ cấu nhân sự Ban Chấp hành; ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành; công bố kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa XI; thông qua báo cáo chính trị và Điều lệ hội khóa XI. Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI đã họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội, trưởng Ban Kiểm tra khóa XI.
Định hướng cho tương lai
Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết ông mong Đại hội bầu ra được Ban Chấp hành có thể nắm được thật sâu, thật kỹ, có những định hướng cho tương lai của báo chí Việt Nam, trong đó có những sự đầu tư cho các mảng truyền thông kỹ thuật số; các xu hướng trên mạng xã hội để có những định hướng đầu tư cho các đơn vị báo chí.
Ông cũng kỳ vọng thông qua Đại hội này, các đại biểu chia sẻ với nhau những mô hình phát triển kinh tế báo chí, bởi đây là vấn đề mang tính sống còn của nhiều đơn vị báo chí.
Nhà báo TRẦN TRỌNG DŨNG, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM: Nhà báo TRẦN TRỌNG DŨNG Quan tâm hơn cấp hội địa phương Đoàn đại biểu Hội Nhà báo TP HCM đại diện cho hơn 1.000 hội viên của thành phố tham dự Đại hội XI. Tôi rất tin tưởng, kỳ vọng nhiệm kỳ mới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" như phương châm đã đề ra. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm 3 vấn đề: Thứ nhất, mong Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm hơn đến các cấp hội ở địa phương để làm sao chuyển đổi phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của hội viên như tinh thần của Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới" để làm sao thu hút hội viên, qua đó giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm báo hiện đại. Thứ hai, đứng trước thách thức của kỷ nguyên số, mong Hội Nhà báo Việt Nam đặt một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả, khán giả, thính giả. Thứ ba, Hội Nhà báo Việt Nam cần tham mưu, đề xuất, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách để làm sao phát triển báo chí hơn, đặc biệt là kinh tế báo chí. Ở TP HCM, hầu hết các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, vì vậy các cơ chế, chính sách đó sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các báo có nguồn thu đúng quy định pháp luật để tái sản xuất, đầu tư mạnh mẽ hơn cho chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. Nhà báo VŨ VIỆT TRANG, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Nhà báo VŨ VIỆT TRANG Ba dấu ấn nổi bật Trong các nội dung công tác được Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ qua có 3 dấu ấn nổi bật, cụ thể: Thứ nhất, Hội Nhà báo Việt Nam tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quyết định quy hoạch báo chí của Chính phủ, Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới"... Thứ hai, Giải Báo chí quốc gia ngày càng nâng cao chất lượng, quy tụ số lượng tác phẩm dự thi ngày càng nhiều với nhiều thể loại hơn và lễ trao giải được tổ chức trang trọng, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của giải báo chí cao quý nhất đối với người làm báo Việt Nam. Thứ ba, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định về đạo đức người làm báo và quy định về ứng xử của người làm báo trên mạng xã hội. Đó là những vấn đề mang tính thời sự và rất cấp thiết, được các cấp hội và hội viên quan tâm, ủng hộ, thể hiện vai trò tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó, hội còn tích cực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo; lên tiếng kịp thời trước những bất cập về cơ chế, chính sách đối với báo chí, qua đó góp phần giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn và phát triển. |
Theo Văn Duẩn - Ngô Nhung/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/dai-hoi-lan-thu-xi-hoi-nha-bao-viet-nam-xay-dung-nen-bao-chi-hien-dai-va-nhan-van-20211230205639437.htm