Nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam, Chủ tịch nước giao cho tỉnh Quảng Nam "đề bài" chiến lược, đưa danh xưng này trở thành thương hiệu thu hút nhà đầu tư và du khách bốn phương.
Tối 28/12, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu quan trọng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh: CTV).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trải qua 550 năm với bao thăng trầm, thay đổi, tỉnh Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng.
"Chúng ta đang đứng chân trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt" mà 550 trước vị vua anh minh Lê Thánh Tôn đã đặt tên. Vùng đất Quảng Nam là vùng đất phía Nam rộng lớn từ đỉnh đèo Hải Vân cho tới đèo Cù Mông, bao gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Do đó, sự kiện hôm nay không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Nam mà còn đối với cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và cả khu vực Miền Trung thân yêu", Chủ tịch nước phát biểu.
Quảng Nam, tên gọi đầy ý nghĩa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về non sông đất nước ta cũng như khát vọng dân tộc hùng cường. Trong hành trình mở cõi, các thế hệ người Việt mãi mãi ghi nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa, của các vị vua anh hùng thời nhà Trần như Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và của biết bao các bậc tiền nhân…
Trong hơn 5 thế kỷ qua, từng viên đá hòn sỏi nơi đây đã được khắc lên bao dấu chân của cha ông từ thưở mang gươm đi mở cõi cho đến thời đại Hồ Chí Minh - những người đã lao động và sản xuất, xây dựng và cống hiến, chiến đấu và hy sinh để cho chúng ta có được tiếng Tổ quốc trọn vẹn như ngày nay.
Với lẽ đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Tôi rất xúc động về dự sự kiện hết sức quan trọng hôm nay, để cùng được chứng kiến sự khởi sắc về kinh tế và sự thay da đổi thịt của đời sống người dân miền Trung, đồng thời đây còn là dịp để chúng ta làm sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất giàu truyền thống hào hùng, khoa bảng với những "Tứ hổ", "Tứ kiệt", "Ngũ phụng tề phi"".
Quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa cũng đã bồi đắp, lắng đọng trong Quảng Nam những giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo, có sức sống lâu bền.
Một số tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 550 Danh xưng Quảng Nam (1471-2021) (Ảnh: CTV).
Chủ tịch nước tự hào rằng, hiếm có vùng đất nào với hơn 10.000 km2 mà có đến hai di sản thế giới độc đáo, huyền bí, đó là Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Càng không có nhiều nơi trên thế giới có mật độ dày đặc các vịnh biển, cù lao, khu dự trữ sinh quyển, cao nguyên tươi xanh, di sản văn hóa, tâm linh tầm cỡ thế giới như chuỗi ngọc trai dọc tuyến hành lang ven biển miền Trung, cùng với nóc nhà Tây Nguyên.
Trải qua 550 năm với bao thăng trầm, thay đổi, tỉnh Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng.
Chủ tịch nước cho rằng, nhìn lại 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động từ những thập niên trước, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế.
Cơ sở hạ tầng kết nối chiến lược được hình thành, cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh, dịch vụ công cơ bản được cải thiện đã tạo động lực, điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng. Thaco Trường Hải đang dần thể hiện vai trò là con sếu đầu đàn của ngành công nghiệp cơ khí và ô tô, đóng góp ngân sách lớn, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa không chỉ đối với Quảng Nam mà còn với cả nước và hướng ra cạnh tranh toàn cầu…
Chủ tịch nước nhắn nhủ: "Nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam, tôi giao cho tỉnh Quảng Nam một "đề bài" là chúng ta phải có chiến lược đưa danh xưng này trở thành thương hiệu thu hút nhà đầu tư và du khách bốn phương".
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, chặng đường 550 năm hình thành và 25 năm xây dựng, phát triển kể từ khi tái lập tỉnh là không dài, so với lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, dân tộc. Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đọc diễn văn kỷ niệm (Ảnh: CTV). Những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Quảng Nam cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của danh xưng Quảng Nam trong giai đoạn mới. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy truyền thống hiếu học, đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đóng góp cho quê hương; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. |
Theo Công Bính/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-giao-de-bai-chien-luoc-phat-trien-danh-xung-quang-nam-20211229070445188.htm