"Lợi ích quốc gia là tối thượng, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp là bất biến. Phương châm là cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả" - Thủ tướng nói.
Sáng 15/12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
"Ta bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác, lúc cần họ mới bảo vệ ta"
Thủ tướng ghi nhận những kết quả xuất sắc của ngành ngoại giao, quyết tâm đổi mới, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề và diễn đàn quốc tế quan trọng, đặc biệt là đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt đánh giá cao về chiến lược ngoại giao vaccine. "Khi Chính phủ thành lập Tổ ngoại giao vaccine và giao cho Bộ trưởng Ngoại giao làm tổ trưởng, thông qua đường ngoại giao đạt được kết quả quan trọng về vaccine, thiết bị y tế. Việt Nam là một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới" - Thủ tướng nói và cho biết hiện nay chúng ta mới làm chủ được vaccine, tự tin để tiến hành các thay đổi trạng thái từ "zero Covid" sang thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả để tiếp tục khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Ngoại giao ngày 15/12 (Ảnh: Mạnh Quân).
Định hướng cho hai năm tới, Thủ tướng cho rằng cần dự báo tình hình, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được để định hình công tác đối ngoại cho phù hợp. Lưu ý đến các vấn đề như cạnh tranh chiến lược, tình hình Biển Đông, Thủ tướng cho rằng vừa có thách thức vừa có cơ hội nên cách ứng xử, hoạt động ngoại giao thế nào để hóa giải được những thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển.
Về Covid-19, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề toàn cầu nên cần chung tay, chung sức thì phải giải quyết. Không một quốc gia nào bình yên khi các quốc gia có dịch, không một công dân nào an toàn nếu công dân khác mắc Covid-19. Thủ tướng cũng nhắc tới các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, cách mạng công nghiệp 4.0, già hóa dân số, khủng hoảng thị trường lao động….
Thủ tướng dẫn lại tinh thần của Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên tổ chức 14/12, hội nghị khẳng định lại vai trò vị trí, tầm quan trọng của Việt Nam, của nền ngoại giao, khẳng định được những nền tảng quan trọng, những quan điểm rất cơ bản để phát triển ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc tối thượng.
"Phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng nhưng cũng phải nhân ái, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế chứ không phải chỉ mình mình được" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh "bây giờ không thể sống mình mình được, cái gì là cốt lõi, cái gì là ứng vạn biến, cốt lõi lợi ích quốc gia dân tộc, quyền lợi chính đáng của chúng ta, chúng ta bảo vệ, nhưng chúng ta cũng phải góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác. Ta bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác thì lúc cần thì họ mới bảo vệ ta".
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế (Ảnh: Mạnh Quân).
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ phương châm với ngành ngoại giao: "Phải tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả và cùng phát triển". Theo Thủ tướng, con người ai cũng có tình cảm, mình phải đánh sâu vào tình cảm. Phải chân thành, trong đối ngoại phải rất chân thành, từ tấm lòng của mình, tốt thì nói tốt, không nói thì nói không tốt… Đó là về vấn đề nhận thức, đấu tranh trong hoạt động ngoại giao.
"Đổi mới tư duy, với lợi ích quốc gia tối thượng, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp là bất biến, chú ý đề cao chủ nghĩa đa phương. Phương châm là cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả. Những gì vấn đề bất di, bất dịch chúng ta phải cương quyết" - Thủ tướng khẳng định.
3 trụ cột quan trọng
Với những thành quả của 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trải qua những khó khăn của chiến tranh, bao vây cấm vận, phải hoạt động dựa vào viện trợ quốc tế, thì ngày nay đã trở thành nước có nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng về kết quả ngoại giao xuất sắc trong thời gian qua, khi Việt Nam hoàn thành trọng là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 (Ảnh: Mạnh Quân).
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12 đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, khẳng định những nền tảng quan trọng, quan điểm cơ bản để phát triển ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc tối thượng, nhân ái, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Về 3 trụ cột ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng cho rằng, công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Về ngoại giao kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống.
Hội nghị Ngoại giao 31 có chủ đề "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" (Ảnh: Mạnh Quân).
Về ngoại giao văn hóa, theo Thủ tướng, ngành ngoại giao cần triển khai những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, nhất là Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vừa qua, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, với sự đầu tư về nguồn lực cả về tài chính lẫn con người, đặc biệt là khi dư địa cho công tác ngoại giao văn hóa còn nhiều.
Về xây dựng ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Cán bộ ngoại giao cần nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế và sâu sắc về khoa học công nghệ". Cán bộ ngoại giao cần có tư duy, phương pháp luận để đi vào tìm hiểu chiều sâu về các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng quật cường và kiên quyết khi cần thiết.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-loi-ich-quoc-gia-la-toi-thuong-doc-lap-chu-quyen-la-bat-bien-20211215143349531.htm