Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại hội XIII của Đảng nêu chủ trương "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân".
Sáng nay (13/12), Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương". Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở trong và ngoài nước.
Thách thức từ dịch bệnh
Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 là dịp quan trọng để các địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác quốc tế cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được trong đối ngoại địa phương, đưa ra các biện pháp để tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả triển khai công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc sáng 13/12 (Ảnh: Quốc Chính).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Triển khai nhất quán, mạnh mẽ và hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại thời gian qua đã đạt thành tựu quan trọng, khá toàn diện.
"Nổi bật là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, huy động các nguồn lực quan trọng của bên ngoài cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19, trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho cả nước và các địa phương chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng Ngoại giao thông tin.
Theo ông Sơn, quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn; đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021; đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn, vấn đề quốc tế quan trọng. Chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Quốc Chính).
Về đối ngoại, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, Đại hội XIII của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Đại hội XIII cũng xác định rõ vị trí, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, theo đó tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; đề ra chủ trương "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân".
Những nhiệm vụ cần tập trung
Người đứng đầu ngành ngoại giao nêu 4 nhiệm vụ nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương.
Thứ nhất, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương. Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ hai, xác định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng về "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm", đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 có sự tham gia của các địa phương, các ban, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác quốc tế (Ảnh: Quốc Chính).
Thứ ba, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại địa phương. Trong triển khai đối ngoại địa phương, cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng đối với phát triển của địa phương.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho nhấn mạnh tới việc nâng cao năng lực của đối ngoại địa phương, trong đó then chốt là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ đối ngoại địa phương; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng ngày càng thiết thực nhu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại địa phương.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ba-tru-cot-xay-dung-nen-ngoai-giao-viet-nam-toan-dien-hien-dai-20211213114145823.htm