Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thời gian tổ chức kỳ họp cũng như nội dung kỳ họp bất thường phụ thuộc vào công tác chuẩn bị. Tất cả các nội dung của kỳ họp này đều khó, phức tạp, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 22-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về kỳ họp chuyên đề của Quốc hội để bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quyết sách để khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19.
Báo cáo nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến, kỳ họp sẽ được tổ chức vào tháng 12.
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến tháng 12 không còn nhiều, các cơ quan phải hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021, trong đó có phục vụ nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội (dự kiến từ ngày 6 đến 19-12), các hoạt động tổng kết năm.
Trong khi đó, các nội dung trình Quốc hội đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để các ủy ban của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng và Chính phủ có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các nội dung sẽ trình tại kỳ họp này, cần phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổ chức kỳ họp và một số vấn đề chính của các nội dung.
Nếu cả 5 nội dung trên được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 12 và đủ điều kiện trình Quốc hội thì tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1-2022.
Theo ông Cường, ngày 13-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở, xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 12-2021.
Đến nay, đã nhận hồ sơ tài liệu của 4 nội dung, gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Hiện còn thiếu hồ sơ tài liệu nội dung đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Hiện nay, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - ngân sách đang phối hợp với các ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định báo cáo Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường", ông Cường cho hay.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thời gian tổ chức kỳ họp cũng như nội dung kỳ họp bất thường phụ thuộc vào công tác chuẩn bị. Tất cả các nội dung của kỳ họp này đều khó, phức tạp, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, không thể làm ngang, làm tắt.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải sát sao, công khai, vô tư, khách quan, minh bạch, không được để sơ suất gì trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp này.
3 phương án tổ chức kỳ họp bất thường Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp bất thường xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Phương án 1 dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 4-1-2022 (ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ), làm việc liên tục không chia hai đợt và kết thúc ngày 8-1-2022. Phương án 2 dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 5-1-2022 và chia thành hai đợt. Đợt 1 kéo dài 14 ngày (từ 5 đến 8-1-2022) để tiến hành phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận tất cả các nội dung. Đợt 2 diễn ra nửa ngày (sáng 13-1-2022) để biểu quyết thông qua và tiến hành phiên bế mạc. Phương án 3 dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 5-1-2022, bế mạc vào sáng 9-1-2022. Quốc hội làm việc liên tục không chia hai đợt, bố trí làm ngày thứ bảy và sáng chủ nhật để kết thúc kỳ họp bất thường sớm hơn. |
Theo Tiến Long/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/quoc-hoi-no-luc-to-chuc-som-ky-hop-chuyen-de-ban-ve-phuc-hoi-kinh-te-20211122190820408.htm