Sáng 20/11, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021) và Khai giảng năm học 2021 - 2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cùng các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; các ban, bộ, ngành Trung ương. Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo TP Hà Nội; lãnh đạo các doanh nghiệp; các trường THPT; các tổ chức quốc tế.
Coi trọng đào tạo kỹ năng mềm, giáo dục nhân cách cho sinh viên
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các thầy cô giáo và các sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đồng thời biểu dương những thành tích xuất sắc của các thầy cô giáo, cán bộ viên chức và sinh viên Học viện đã đạt được trong năm học vừa qua, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Học viện trong suốt 65 năm.
Chủ tịch nước ghi nhận, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiên phong, không ngừng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước; đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Học viện đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của trường đại học nghiên cứu. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp trên cả nước, Học viện đã tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Nhấn mạnh, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước; Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và những quy định Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng hiện thực hóa Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những người tốt nghiệp đại học ngày nay phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng tự học suốt đời, tư duy sáng tạo, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện…
Người tốt nghiệp phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng; đồng thời cần phải có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và đất nước.
Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, cần coi trọng đào tạo kỹ năng mềm, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên, học viên. Phải gắn chặt chẽ nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Toàn cảnh buổi lễ.
Chăm lo đội ngũ nhà giáo
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Học viện phải tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học. Coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo.
Ứng dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả đào tạo, tăng cường đào tạo trực tuyến, cùng với các mô hình phòng thí nghiệm trực tuyến nhất là trong bối cảnh đất nước đang phải từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cũng như đối mặt với các nguy cơ rủi ro khác diễn ra ngày một thường xuyên hơn.
Gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng vùng sản xuất và lợi thế địa chính trị của nước ta. Đồng thời, phải khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học Công nghệ, các bộ, ngành Trung ương chú trọng chỉ đạo và đầu tư để Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo” – Chủ tịch nước đề nghị.
Học viện cần quan tâm, đầu tư, bồi dưỡng và chăm lo đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tài sản quý giá nhất của Học viện không phải là trụ sở to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng, phương tiện hiện đại, mà đó là đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, sáng tạo, tận tụy trong công việc và luôn có tinh thần tự học, trở thành tấm gương cho sinh viên, học viên. Những tinh hoa đó, đã và sẽ làm rạng danh Học viện.
Chính vì vậy, phải tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. Các thầy cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn, truyền cảm hứng. Mỗi thầy, cô phải là tấm gương sáng về mọi mặt để sinh viên noi theo.
Để có được đội ngũ các thầy cô giáo chuẩn mực, tôi đề nghị các Bộ, ngành và Học viện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô sống, học tập và làm việc, cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người thông qua những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực.
Tiếp tục đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Tinh thần chung là, các trường đại học phải được tự chủ để chủ động học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng. Cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, gắn với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị: Học viện tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ “đặt hàng” mà tôi đã nêu ra trong dịp về dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện, ngày 12/10/2016. Trong đó, lưu ý việc Học viện cần tiếp tục tích cực tham vấn cho các cơ quan Nhà nước thực hiện mục tiêu xanh hóa nông nghiệp.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước và một số nước bạn hơn 11 vạn cán bộ có trình độ đại học, hơn 13 nghìn thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân,... cùng nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và bạn bè quốc tế.Hiện nay, Học viện là một trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, tự chủ, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tiếp cận với trình độ và công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới. |
Theo Minh Phong/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-ngu-giang-vien-tam-huyet-sang-tao-la-nhung-tinh-hoa-cua-giao-duc-va-dao-tao-Glmaagpng.html