Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang).
Hệ thống y tế dự phòng còn nhiều hạn chế
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, đánh giá đúng vai trò của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Có thể nói, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2021 đã rất linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung ương đã không quản vất vả, nguy hiểm xuống tận cơ sở, đi vào tâm dịch hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID.
Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về vắc xin, sinh phẩm, thuốc, thiết bị cho xét nghiệm điều trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chủ động thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine.
Chỉ trong một thời gian ngắn đến nay, chúng ta đã có 195 triệu liều vắc xin có hợp đồng cung ứng. Tính đến hết ngày 7/11 đã tiêm được 90 triệu liều. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đạt 84,13%. Đây là chiến lược cơ bản lâu dài trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đánh giá, qua đợt dịch COVID-19, truyền thống đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tình đồng bào lại được phát huy. Những tấm gương cán bộ ngành y tế, chiến sĩ quân đội, công an không ngại vất vả, hiểm nguy quên mình trong thực thi nhiệm vụ. Hình ảnh các tầng lớp nhân dân nhường cơm, sẻ áo, ủng hộ đồng bào vùng dịch đã làm xúc động nhân dân cả nước.
Trong dịch cũng cho thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo chăm lo cho nhân dân, cấp ủy chính quyền cùng ngồi với nhân dân và doanh nghiệp tháo gỡ hiệu quả các khó khăn, vướng mắc. Tình thương yêu giữa người với người, sự đồng hành, lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền thực sự là những giá trị cần giữ gìn và phát huy sau đại dịch.
Theo đại diện đoàn Bắc Giang, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ.
Chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế.
Đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát.
“Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn, chữa bệnh” – đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu.
Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống dịch
Đại biểu Đỗ Đức Hiển
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP HCM) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Theo đại biểu, các biện pháp phòng, chống dịch được quy định tập trung trong Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch chưa dự liệu đủ các biện pháp, chính sách cần áp dụng.
Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp cũng chưa đủ rõ để ban hành các biện pháp mạnh và kịp thời. Trong khi đó, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp đã ban hành từ năm 2000 trước khi có Hiến pháp 2013. Nhiều quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có nội dung chủ yếu để áp dụng trong điều kiện bình thường, trong trạng thái tĩnh mà chưa chú trọng dự liệu đến tình trạng cấp bách do dịch bệnh. Trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, việc thay đổi các phương thức sinh hoạt, học tập, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước là đòi hỏi khách quan. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý quy định nội dung này còn chưa đầy đủ. Nhiều văn bản tuy đã có dự liệu về thời hạn, thời hiệu để áp dụng trong tình huống cấp bách hoặc bất khả kháng, nhưng thực tiễn cho thấy còn có vướng mắc, nhất là trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội.
Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, đại biểu cho rằng việc hoàn thiện một cách căn cơ các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống, thích ứng với dịch là rất cần thiết.
Nhấn mạnh, trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh chưa hề có tiền lệ, làm phát sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, pháp luật chưa thể dự liệu hết, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng những khoảng trống về pháp luật nếu không sớm được khắc phục, một mặt sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng không tốt đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, cũng tạo sơ hở để cho các đối tượng xấu lợi dụng, kích động.
Do đó, với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, đại biểu kiến nghị cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm chủ động trong công tác phòng, chống và thích ứng tốt với dịch bệnh Covid-19.
Đây cũng là việc làm hết sức cần thiết để tiếp tục khơi dậy, phát huy tính tích cực, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh, là công cụ bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng.
Theo Minh Phong - Tùng Bách/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/danh-nhieu-nguon-luc-hon-nua-de-dau-tu-cho-he-thong-y-te-du-phong-gPGPzG5ng.html