Văn phòng Chính phủ đang nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 128 của các địa phương
Sáng 29-10, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức hội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Có gần 180 lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên theo dõi phòng chống dịch và kinh tế của các cơ quan báo chí trên cả nước tham dự hội thảo theo hình thức trực tuyến.
Sớm ban hành giá xét nghiệm
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây là những quy định tạm thời để chuẩn bị cho 2 chiến lược là thích ứng an toàn mới với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Hiện nay, 2 chiến lược đang được các bộ, ngành trung ương xây dựng. Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, đây là hội thảo đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chủ động đi trước. Do đó, Thứ trưởng mong muốn hội thảo đưa ra những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn, nêu ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như góp ý, kiến nghị của cơ quan báo chí đối với công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian sắp tới.
Toàn cảnh hội thảo ở điểm cầu Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Nhấn mạnh những nội dung cần lưu ý khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho rằng một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không "cát cứ", không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới. Bà Nguyễn Thị Liên Hương cũng lưu ý việc phân loại nguy cơ, khuyến khích các địa phương đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả. Quy mô càng nhỏ càng bảo đảm linh hoạt, tiết kiệm chi phí và giảm sự ảnh hưởng lên các vùng khác.
Tại hội thảo, cơ quan báo chí phản ánh giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 mỗi nơi một kiểu. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí cũng phản ánh hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" trong việc thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp thu và báo cáo đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vấn đề này. Ông cho hay hiện Văn phòng Chính phủ đã được giao tham mưu, đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 128 của các địa phương. Riêng vấn đề giá xét nghiệm, ông Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan để đưa ra mức giá phù hợp.
Đồng loạt tiêm vắc-xin cho trẻ vào tháng 11
Một vấn đề khác cũng được nhiều cơ quan báo chí nêu ra tại hội thảo là tiêm vắc-xin cho trẻ em. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép 2 loại được tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ. Ước tính cả nước có 9,4 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng với số lượng hơn 18 triệu liều. Hiện Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin Pfizer, trong đó hơn 10 triệu liều đã về và được phân bổ tới các địa phương.
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã hướng dẫn tuyến cho 63 tỉnh, thành triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết chiến dịch này chính thức triển khai từ đầu tháng 11 trên toàn quốc, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 -17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc-xin Covid-19 và tình hình dịch tại địa phương.
Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11, khối 10; tiếp đến là lớp 9, 8, 7. Với những trẻ không đi học sẽ được rà soát và lập danh sách để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các em. Vắc-xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi là vắc-xin Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự người từ 18 tuổi trở lên; 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần. "Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng cho trẻ là bảo đảm an toàn" - PGS-TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhìn nhận trẻ em được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới. "Tuy nhiên, các địa phương cần phủ vắc-xin Covid-19 cho trên 80% người từ 18 tuổi thì mới tiêm cho trẻ em và tiêm cho trẻ tại các địa phương mật độ dân cư cao, địa phương có dịch" - PGS-TS Dương Thị Hồng lưu ý.
Trẻ nào phải trì hoãn, thận trọng tiêm?
Chiều 29-10, Bộ Y tế cũng đã ban hành "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em". Theo đó, trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Đồng thời, chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…).
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/lap-doan-kiem-tra-thuc-hien-nghi-quyet-128-20211029212945378.htm