Lực lượng công an xã được Viện KSND tối cao đề xuất giao thêm nhiệm vụ kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm khi sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng hình sự.
Thảo luận tại Quốc hội (QH) về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều bộ luật Tố tụng hình sự ngày 25.10, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho rằng việc bổ sung thêm nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là cần thiết, phù hợp với cả hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an và yêu cầu thực tiễn.
Viện trưởng VKS tối cao Lê Minh Trí giải trình trước Quốc hội. GIA HÂN
Đánh giá kỹ năng lực, chuyên môn
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, ĐB Nam cho biết hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 người, đủ khả năng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn. “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã”, ông Nam nói.
Nhiều ĐB cũng cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã là cần thiết. ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) còn đề nghị mở rộng thêm nhiều quyền cho công an xã để lực lượng này có thể thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách như: ngăn chặn hành vi phạm tội, truy bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo dấu vết nóng, ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, tẩu tán tang vật, ghi lời khai ban đầu của người bị bắt giữ… Tuy nhiên, ĐB Đoàn Thị Lệ An (đoàn Cao Bằng) đề nghị cân nhắc việc trình QH thông qua đề xuất này theo trình tự rút gọn tại 1 kỳ họp vì “đây là quy định mới cần được xem xét, đánh giá đầy đủ”.
Dẫn thực tiễn ở Cao Bằng, ĐB An cho biết các xã tại địa phương này rộng, giao thông khó khăn, công an xã mới được đưa về lại có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, có người thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, không đồng đều. “Việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi”, ĐB An nói và đề nghị, nếu đánh giá mà thấy chưa đáp ứng được thì cần có lộ trình để đào tạo, tập huấn cho đối tượng này.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cũng đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán thêm. “Nếu chúng ta giao nhiệm vụ này thì rất dễ, nhưng có hàng chục nghìn xã, chỉ cần khoảng 100 - 200 xã làm việc không tốt thì dư luận xã hội sẽ quan tâm ngay”, ông Thịnh nêu và cho biết đồng tình với đề xuất, song phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết khác. Liên quan đề xuất tạm đình chỉ điều tra, vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh cũng được đưa vào dự án luật lần này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Đỗ Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị trong thông tư hướng dẫn thi hành thì cần phải quy định rất chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh; xác định thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng.
Sẽ kiểm sát chặt chẽ
Giải trình trước QH, Viện trưởng Viện KSND (VKS) tối cao Lê Minh Trí cho biết thời gian qua, lực lượng chính quy tăng cường về công an xã khá nhiều và nay vẫn đang tiếp tục làm. Do đó, lực lượng này có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới. “Luật hiện nay có công an phường và đồn công an (được giao xử lý tin báo, tố giác tội phạm - PV) mà không có công an xã. Chúng ta thêm chữ “xã” vào để cho năng lực của nguồn nhân lực này được phát huy, nhằm giải quyết được ngay tại chỗ những tình huống thực tế. Và nếu chúng ta giải quyết tốt sẽ giảm tải áp lực cho lực lượng của công an huyện hiện nay đang quá tải”, ông Trí nêu.
Về băn khoăn của các ĐB với năng lực của lực lượng công an xã, ông Trí thừa nhận, so với trước đây đã “có chuyển biến nhiều” song vẫn phải tiếp tục tính toán, cả về nhân sự, kể cả về mặt tái đào tạo và đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho công an cấp xã. Ông Trí cũng khẳng định khi công an xã được bổ sung trách nhiệm này thì VKS cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ của công an xã như là công an phường để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Liên quan quy định tạm đình chỉ điều tra, vụ án vì lý do thiên tai, dịch bệnh, Viện trưởng VKS tối cao cho biết cần hiểu biện pháp này là biện pháp cuối cùng, một biện pháp kỹ thuật cần pháp luật cho phép để xử lý một tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm do yếu tố thiên tai, dịch bệnh chứ “không phải là không làm”.
“Nếu theo luật hiện hành thì chúng ta phải đình chỉ không tội và dừng hết các biện pháp tố tụng khác. Theo đó, có thể xảy ra một tình trạng là hàng loạt các đối tượng trong quá trình điều tra tố tụng đó chúng ta phải thả ra ngoài và trong đó sẽ có nhiều đối tượng ở dạng là tội phạm đặc biệt nguy hiểm xã hội, như: ma túy, cướp, giết người - những tội phạm này mà ra ngoài thì sẽ bất an về xã hội, mất an toàn đối với xã hội. Và chắc chắn rằng đa số nhân dân sẽ không yên tâm”, ông Trí giải thích và cho biết khi áp dụng biện pháp này, sẽ phải chọn lọc làm sao để kiểm soát được số tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Chiều tối 25.10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan về công tác phục vụ trong tuần họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Sau khi nghe các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị, tổ chức các phiên họp và các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, 6 ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình đề ra. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, tận dụng tối đa thời gian kể cả tại phiên thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến. Hồ sơ các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng chuẩn bị các dự án luật được đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Công tác thư ký, tổng hợp nội dung thảo luận tại tổ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong điều kiện Quốc hội họp trực tuyến với 72 tổ đại biểu, trong đó có đến 62 tổ tại các địa phương… Trong thời gian còn lại của đợt họp trực tuyến, Quốc hội sẽ thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương... TTXVN |
Kiểm soát trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm Ngày 25.10, thảo luận tại tổ về luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhiều ĐB đề xuất luật sửa đổi cần tạo được hành lang pháp lý tốt, rõ, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn về các loại hình bảo hiểm ở Việt Nam. ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết kinh doanh bảo hiểm hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam và lĩnh vực chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ. “Bảo hiểm vẫn là vấn đề mới mẻ với Việt Nam, nhưng việc phổ biến truyền thông cho người dân hiểu tham gia còn rất ít, luật có độ trễ và khó hội nhập, chưa đáp ứng được năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam nên cần sửa đổi”, ông Trí nêu. Trong khi đó, ĐB Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) cho biết thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện ra bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua. Từ đó, ông Thuận đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm. “Cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ của mình khi mua hợp đồng bảo hiểm”, ĐB Thuận nói. |
Theo Lê Hiệp/Thanh niên
https://thanhnien.vn/de-xuat-cong-an-xa-duoc-xac-minh-to-giac-tin-bao-toi-pham-post1394730.html