Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc chống dịch phải đặt mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân; không để người dân thiếu đói, thiếu ăn thiếu mặc.
Sáng 21.10, Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Riêng các đại biểu chuyên trách và đoàn Hà Nội chia làm 10 tổ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại tòa nhà QH.
Tham dự thảo luận tại tổ Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính (ĐB đoàn Cần Thơ) cho biết, thời gian qua, việc chống dịch còn lúng túng, bất ngờ do chủng Delta diễn biến quá nhanh.
“Báo cáo mới nhất về chủng Delta khiến cả thế giới bất ngờ không chỉ Việt Nam, nó khác với chủng gốc. Tối qua, tôi trao đổi với Chủ tịch An Giang, xuất hiện ổ dịch ở bệnh viện rất nhanh. Sáng nay, chỉ đạo Bộ Y tế đưa người xuống nghiên cứu ngay”, Thủ tướng nói về việc phải chủ động đối với các diễn biến mới.
Thủ tướng thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 21.10
Theo Thủ tướng, chủng Delta có nồng độ virus cao gấp nhiều lần các chủng trước đó; chu kỳ lây lan 4 - 8 tiếng, nhanh hơn chủng cũ (3 - 4 ngày). Trên 80% người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng nên không phát hiện sớm được để tổ chức truy vết, cách ly.
Trước đây, tải lượng virus đào thải sau 13 ngày nên cách ly 14 ngày, nhưng chủng này 17 - 18 ngày mới đào thải, bám vào niêm mạc chắc hơn, lây lan trong không khí. Chỉ cần có 1 nguồn lây khiến cả phòng có thể bị mắc do virus bay trong không khí.
“Tất cả các yếu tố mới này gây cho chúng ta sự bất ngờ. Mà bất ngờ thì sẽ lúng túng. Trong kiểm điểm các cấp, các ngành đều lúng túng”, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.
Liên quan đến chính sách chống dịch, người đứng đầu Chính phủ khẳng định vẫn dựa trên 3 trụ cột chính: một là giãn cách, hai là xét nghiệm và ba là điều trị. Tinh thần thì phải phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực. Chống dịch không có tiền lệ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không hề đơn giản. Cách ly nhanh nhất, chặt nhất và hẹp nhất để virus không lay lan rộng.
Chủng này nhìn, nghe, ngửi đều không thấy nên phải xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Điều trị tích cực, ngay từ cơ sở, rất sớm và từ xa để người bệnh tiếp cận nhanh với biện pháp y tế, không chuyển nặng, giảm tử vong.
“Kiên định 3 trụ cột này sau đó ta mới đưa ra được công thức 5K và vắc xin. Bên cạnh đó, quản lý đất nước 100 triệu dân bằng thủ công là không được mà phải có công nghệ. Vắc xin đi kèm với các biện pháp điều trị tích cực, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, việc gì mà người dân không chấp hành thì cũng không làm được nên phải nâng cao ý thức người dân”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn chống dịch thần tốc phải dồn lực lượng, như Hà Nội vừa qua chỉ có 1 tuần vừa xét nghiệm vừa tiêm chủng, sau đó với giãn cách. Chính phủ cũng nhanh chóng ban hành Nghị quyết 128 khi tình hình dịch diễn biến còn phức tạp, Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, và không áp dụng Chỉ thị 15,16,19. Phương án là chuyển hướng tiếp cận toàn dân nên mới đưa người dân làm chiến sĩ; phường, xã là pháo đài.
Thủ tướng trao đổi với Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu
Bên cạnh công tác chống dịch, Thủ tướng cũng cho biết phải đảm bảo phục hồi kinh tế, phải cân đối điều chỉnh hợp lý; vừa giải quyết trước mắt, đảm bảo lâu dài. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, không để nợ công tăng lên quá nhiều. Chính phủ phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, chống lây lan. Khi điều chỉnh các giải pháp phải nâng cao năng lực y tế, nhất là cơ sở.
“Không để người dân thiếu đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Hỗ trợ để doanh nghiệp có thêm sức khỏe, doanh nghiệp có khỏe mạnh lên, khôi phục sản xuất kinh doanh mới có tiền để đóng thuế”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/thu-tuong-khong-de-nguoi-dan-thieu-doi-thieu-an-thieu-mac-post1393241.html