Vấn đề giá kit xét nghiệm mỗi nơi một giá, triển khai mua vắc xin và công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị tại các bệnh viện... là những vấn đề được đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 21-10.
Đại biểu Trịnh Xuân An nêu vấn đề trách nhiệm trong quản lý, điều hành của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch - Ảnh: N.BẮC
Ông Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội - đặt vấn đề công tác chỉ đạo điều hành hiện nay còn bất cập, đặc biệt là của các cấp dưới, dẫn chứng những trường hợp Thủ tướng phải gọi điện trực tiếp đến tận xã, trong khi cấp tỉnh cũng không nắm được nội dung vấn đề.
"Không dám đưa ra quyết sách vì run sợ"
"Về điều hành chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, có trường hợp lo lắng quá mà không dám đưa ra quyết định, sợ trách nhiệm. Run sợ mà không dám đưa ra quyết sách phù hợp là không ổn.
Do đó, từ việc chuyển trạng thái chiến đấu với COVID-19 sang thích ứng an toàn, hiệu quả, cần phải chuyển trạng thái điều hành, từ lo sợ sang tự tin. Cần chấn chỉnh nghiêm khắc với những vị trí, cá nhân không làm tốt, xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn những người không làm hết trách nhiệm, gắn với động viên kịp thời", ông An nêu.
Đặc biệt, đánh giá vai trò của ngành y tế trong phòng, chống dịch, dù không phủ nhận sự hy sinh của lực lượng y tế, đại biểu An cho rằng khi nhìn thẳng vào vai trò điều hành của tư lệnh y tế thì "vẫn còn băn khoăn".
Ông dẫn chứng vấn đề loạn giá kit xét nghiệm, bộ khẳng định không quy định giá, và địa phương tự thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch thì cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. "Đây là vấn đề phải làm rõ trách nhiệm", ông nói.
Chia sẻ thêm, đại biểu An thông tin thêm khi trực tiếp trao đổi với một giám đốc bệnh viện lớn tại Hà Nội về công tác mua sắm trang thiết bị cho phòng chống dịch thì được biết, các bệnh viện lớn "sợ trách nhiệm không dám mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư để chống dịch mà phải đi xin tài trợ".
Theo ông, thực trạng này là không ổn bởi Quốc hội đã có nghị quyết 30 hay Chính phủ có nghị quyết 86 về trao cơ chế đặc thù cho phòng chống dịch, có cơ chế cho các cơ sở y tế có quyền chủ động mua sắm, đấu thầu nhưng thực tế các bệnh viện lại không triển khai.
Một bệnh viện lớn của Hà Nội điều trị COVID-19 mà phải đi xin tài trợ (trang thiết bị vật tư để chống dịch), vậy vai trò điều hành của lãnh đạo ngành y tế thế nào?".
Ông Trịnh Xuân An - ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội
Đưa vắc xin về khó quá
Cũng liên quan vấn đề vắc xin, ông An đánh giá cao việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, trong thời gian ngắn đã có hơn 69 triệu mũi vắc xin được tiêm. Tuy vậy, ông băn khoăn về những "lùm xùm" trong chuyện doanh nghiệp, nhà tài trợ, đối tác nước ngoài muốn mua và đưa vắc xin về Việt Nam, song khó khăn.
"Ở đây với vai trò điều hành, quản lý lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp, cá nhân có cái tâm, muốn đưa về thì phải hướng dẫn. Thực tế có đơn vị dù muốn đóng góp nhưng không có hướng dẫn, cứ phải hỏi đi hỏi lại, nên công tác chỉ đạo điều hành cần phải rõ", đại biểu An nêu.
Đại biểu An cũng cho rằng cần nghiên cứu về việc dạy và học online, với những vùng xanh phải cho các cháu đi học trực tiếp trở lại. Bởi theo ông, việc yêu cầu tất cả các học sinh phải học online thường xuyên, đặc biệt với cấp 1, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả và hoạt động đời sống của trẻ em.
Đại biểu Trần Văn Khải, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cũng cho rằng hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, bị động trước dịch bệnh, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải có linh hoạt điều chỉnh thực hiện mục tiêu cho năm 2022.
Ông đề nghị Chính phủ tập trung vào việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả thích ứng an toàn dịch bệnh, nâng cao công tác dự báo, dự phòng…
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nhấn mạnh hạn chế được chỉ ra là đang còn tình trạng bị động, lúng túng nên nếu năng lực dự báo tốt hơn, tiếp cận vắc xin sớm, có dự báo khi có thể có những biến chủng mới, nên cần phải có thêm giải pháp nâng cao năng lực, tiên lượng, dự báo tình hình trong thời gian tới.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-doi-truy-trach-nhiem-nganh-y-te-ve-kit-xet-nghiem-20211021110329162.htm