Giải quyết căn cơ chiến lược vắc-xin, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, sớm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia... là những kiến nghị quan trọng của cử tri cả nước
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 20-10, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.
Sáng kiến pháp luật chưa có tiền lệ, thật sự có ý nghĩa
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9-3-2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Cử tri và nhân dân vui mừng trước thành công rất tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) với việc đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chủ trương về phòng chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước năm 2022.
Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN NAM
Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có căn cứ chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Có thể nói đây là một sáng kiến pháp luật chưa có tiền lệ, thật sự có ý nghĩa.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông.
Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch và xác định các địa bàn nguy cơ để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp. Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", lấy người dân là "chiến sĩ", là trung tâm, là chủ thể phòng chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất...
Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vắc-xin lớn để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch...
"Với những nỗ lực đó, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương" - ông Đỗ Văn Chiến nói.
Những kiến nghị thiết thân từ đời sống
Trên cơ sở nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có 5 kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ.
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc-xin, nhất là vắc-xin cho người dưới 18 tuổi. Có chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định đời sống, việc làm. Đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là cho học sinh tiểu học, để bảo đảm chất lượng.
Thứ hai, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Đảng và nhà nước quan tâm điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì đây là những người đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thứ ba, đề nghị Đảng và nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là khẩn trương hoàn thành các thủ tục hành chính để sớm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân.
Thứ năm, đề nghị Đảng và nhà nước sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ cơ sở, tổ Covid cộng đồng, cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phòng chống dịch, những nhóm thiện nguyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/5-kien-nghi-cua-cu-tri-gui-toi-quoc-hoi-20211020195150436.htm