Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Ngày 20-10, Quốc hội khoá XV đã khai mạc Kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, những tháng vừa qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở. Hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.
Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, Thủ tướng cho biết tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.
"Hàng chục ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế, những "chiến sĩ áo trắng" phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hi sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, "chiến đấu" quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân"- Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.
Về phát triển KT-XH, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nỗ lực vượt qua các khó khăn của dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ. Ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Đối với công tác văn hóa, xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt các kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Xử lý linh hoạt, phù hợp, hiệu quả các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới.
Về dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. "Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn"- Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết năm 2022 đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Chính phủ cũng nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện 16 chỉ tiêu nêu trên. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH.
Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Theo Thủ tướng, các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương.
Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân. Xây dựng kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, tiêm chủng vắc-xin một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, hợp lý cho năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó có vắc-xin cho trẻ em.
Chính phủ sẽ ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Quy định về đi lại, lưu thông hàng hoá thiếu thống nhất giữa các địa phương
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về phát triển KT-XT và công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam do biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm, khó lường.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Tiếp cận nguồn vắc-xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vắc-xin chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn.
Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao. Tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro .
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-dia-phuong-van-dung-linh-hoat-nhung-khong-trai-dinh-huong-cua-trung-uong-20211020102949853.htm