HĐND TPHCM vừa thông qua 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm mà UBND TPHCM cần tập trung thực hiện để đạt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2021.
Sáng 19/10, các đại biểu HĐND TPHCM tham dự buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3 của khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Sau hơn một ngày làm việc, những người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri TPHCM đã xem xét, thảo luận và thông qua nhiều tờ trình về chính sách, đề xuất của chính quyền.
HĐND TPHCM cũng thông qua 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2021 mà UBND thành phố cần tập trung thực hiện. Trong đó, mục tiêu đặt ra cho chính quyền thành phố là giữ vững, tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, nền kinh tế.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TPHCM sẽ khẩn cấp triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Chiến lược phòng, chống Covid-19 giai đoạn mới
Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2021, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu tối quan trọng đối với địa bàn TPHCM. Cụ thể, thành phố sẽ ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới.
Các hoạt động trên địa bàn vẫn cần áp dụng nghiêm Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về tăng cường kiểm soát, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Kỳ họp thứ 3, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên bế mạc sáng 19/10 (Ảnh: HMC).
Trong công tác điều trị, ngành y áp dụng mọi biện pháp để kéo giảm số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, số ca tử vong xuống mức thấp nhất. Thành phố tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Trong những ngày còn lại của năm 2021, TPHCM sẽ chủ động tiếp cận các nguồn vaccine, thuốc đặc trị Covid-19 cùng các loại trang, thiết bị, vật tư y tế. Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em ngay khi nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.
Đối với việc xét nghiệm, toàn địa bàn sẽ nâng cao tính chủ động trong việc xác định cấp độ dịch. Thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát tất cả trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm ở khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người. Việc đánh giá cấp độ dịch sẽ được làm thường xuyên theo đơn vị hành chính và kiểm soát chặt F0 khi phát hiện.
TPHCM tổ chức hiệu quả việc chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Trong tình hình mới, TPHCM tổ chức hiệu quả việc chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng để đảm bảo an toàn, không gián đoạn các hoạt động. Tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần đảm bảo kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động có đầy đủ oxy y tế và tổ chức chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, thành phố cũng phát huy hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng. Các bệnh viện chuyên khoa nhiễm, đa khoa sẽ nghiên cứu thành lập "khoa Covid". TPHCM cũng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực tham gia phòng, chống Covid-19, chăm sóc sức khỏe người dân.
TPHCM sẽ mở cửa thế nào?
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch, TPHCM sẽ khẩn cấp triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2021.
Việc mở cửa lại các hoạt động trong tình hình mới sẽ được thực hiện từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "an toàn là trên hết", "an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Thành phố sẽ bám sát tình hình thực tiễn để xem xét, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
TPHCM sẽ mở lại các hoạt động từng bước thận trọng, an toàn (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Ngoài những vấn đề thuộc phạm vi nội bộ địa bàn, TPHCM sẽ phối hợp chặt với các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động, chuyên gia, người đi khám bệnh... từng bước đưa sinh hoạt người dân sang trạng thái "bình thường mới".
Để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, TPHCM sẽ tổ chức hoạt động lại đối với chợ truyền thống. Song song với đó, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 tại chợ cần được kiểm tra, giám sát chặt.
Ngoài ra, mạng lưới phân phối hàng hóa sẵn có trên địa bàn gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ sẽ được duy trì và đảm bảo phân bổ đều đến từng phường, xã, thị trấn. Thành phố cũng phát huy vai trò của đội ngũ giao nhận hàng ứng dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.
Lấy sức dân chăm lo cho dân
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, công tác an sinh, chăm lo đời sống người dân tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM những tháng cuối năm. Trước mắt, TPHCM sẽ hoàn thành đợt hỗ trợ thứ 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn đúng nguyên tắc, đủ đối tượng, không bỏ sót, trùng lặp.
Ngoài tiền mặt, thành phố sẽ hỗ trợ người dân bằng nguồn gạo được phân bổ từ Chính phủ. Các nguồn lực khác cũng được huy động để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong 3 tháng cuối năm 2021 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Trong đó, thành phố vận động các doanh nghiệp giảm tiền điện, nước, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê. Các tổ chức thiện nguyện sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp với thành phố cùng góp sức hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Thành phố cũng triển khai chính sách hỗ trợ tuyến đầu chống dịch đợt 2 trong thời gian tới.
Trong 3 tháng cuối năm 2021, TPHCM sẽ triển khai các gói hỗ trợ từ Chính phủ và những nguồn hợp pháp khác. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ sẽ dựa trên phương châm "lấy sức dân chăm lo cho dân" để không ngừng cải thiện chất lượng đời sống nhân dân.
Về nhu cầu lao động - việc làm, trước mắt, thành phố sẽ khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp gắn với nguồn cung lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động tỉnh trở lại làm việc, thành phố có hướng hỗ trợ thông qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng và hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh.
TPHCM cũng khuyến khích các dự án do doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân để đảm bảo đủ chỗ ở an toàn, phục vụ an sinh và công tác phòng, chống dịch.
HĐND TPHCM vừa thông qua 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2021 mà UBND thành phố cần tập trung thực hiện gồm:
- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư".
- Triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.
- Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.
- Thúc đẩy các dự án đầu tư công.
- Công tác ngân sách, tài chính.
- Công tác quy hoạch - đô thị.
- Công tác an sinh, giáo dục và văn hóa - xã hội.
- Công tác đối ngoại và đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/con-chua-day-3-thang-tphcm-lam-the-nao-de-dat-cac-muc-tieu-nam-2021-20211018230624651.htm