Nghị quyết 128 của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn với dịch COVID-19 được yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc, nên với những địa phương nào thực hiện trái quy định cần có xử lý nghiêm.
Tọa đàm "Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới"
Đó là kiến nghị được đưa ra tại tọa đàm "Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới" được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18-10.
Đánh giá về nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng đây là quyết sách đúng đắn phù hợp trong tình hình mới để thích ứng linh hoạt với dịch. Tuy vậy, khâu tổ chức vẫn là quyết định trong thành công thực hiện nghị quyết, đơn cử như vấn đề giao thông vận tải.
"Chủ trương đúng rồi, nhưng triển khai phải đồng bộ. Dừng xe 5 phút trên đường dẫn tới hàng trăm xe nối đuôi nhau đến hàng giờ đồng hồ, gây bức xúc doanh nghiệp. Hay đã yêu cầu áp dụng công nghệ QR nhưng vẫn có địa phương ghi thủ công từng số xe. Rồi yêu cầu chung là xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ, nhưng có địa phương chỉ cho 48 tiếng hay 24 tiếng" - ông Thọ dẫn chứng.
Để giải quyết tình trạng không cát cứ, chia cắt, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra một trong những yêu cầu của nghị quyết là cần tổ chức triển khai thống nhất từ trung ương đến địa phương. Địa phương được cho linh hoạt áp dụng biện pháp cụ thể, nhưng không được trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc giao thông hàng hóa, cản trở sản xuất kinh doanh.
"Trong trường hợp các địa phương áp dụng biện pháp cao hơn nghị quyết, hay việc tổ chức triển khai thực hiện còn bất cập, khó khả thi để thực hiện theo hướng dẫn, cần đề xuất bộ ngành liên quan để sớm có hướng dẫn, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế" - ông Tuyên nêu.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng Ban Dân nguyện, đặt câu hỏi tại sao người dân phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch của các cấp ở địa phương, nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp trung ương. Từ đó, ông cho rằng việc chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ cao và kịp thời phản hồi, thực hiện, để không khủng hoảng an sinh, khủng hoảng sản xuất kinh doanh.
"Cần tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác trên cơ sở thống nhất ban hành văn bản của địa phương, vận dụng đúng. Các địa phương tuân thủ sự chỉ đạo trung ương thống nhất nhưng phải vận dụng linh hoạt, không được chủ quan mà cần có tuyên truyền chỉ đạo đúng đắn, hỗ trợ người dân tham gia cùng chính quyền" - ông Nhưỡng đề nghị.
Ông cho rằng để ngăn chặn việc các địa phương cát cứ, áp dụng mỗi nơi một kiểu, cần phải thực hiện "thống nhất trên toàn quốc", các địa phương không được đưa ra quy định vượt mức cần thiết.
Trường hợp các bộ ngành địa phương làm trái quy định, hoặc ban hành các quy định vượt khung nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, ông Nhưỡng đề nghị cần phải xem xét kỷ luật như đình chỉ, cắt chức một số lãnh đạo không tuân thủ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới không nghe.
"Trong việc triển khai thực hiện nghị quyết này cần phải theo dõi, đánh giá chặt chẽ người đứng đầu các địa phương, trong trường hợp nào thì phải đánh giá, báo cáo để xử lý, kỷ luật. Nếu không làm được thì để người khác vào làm" - ông Nhưỡng khuyến nghị.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/can-ky-luat-lanh-dao-dia-phuong-lam-trai-quy-dinh-cua-trung-uong-ve-chong-dich-20211018125604901.htm