Các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo kiến nghị cử tri - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 4, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế...
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực còn hạn chế khi dịch bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội.
"Kinh tế bị bào mòn, sức khỏe cộng đồng bị bào mòn, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội", ông Chiến nêu.
Đến nay, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát. Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu.
Dịch bệnh bào mòn sức khỏe, kinh tế
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm. Quy định hỗ trợ chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ, thậm chí còn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây bức xúc cho nhân dân.
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh tiểu học. Bức xúc với các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế điều trị COVID-19 giả; chống người thi hành công vụ, cướp giật, trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng… diễn biến rất phức tạp.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin, chú ý vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế.
Khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng…
Cần phản ánh sát hơn tâm tư, nguyện vọng cử tri
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện có sai phạm.
Góp ý vào báo cáo, ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký Quốc hội - cho rằng cần phải phản ánh sát hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, những vấn đề bức xúc của người dân như câu chuyện "bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu", cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử của người dân, các giải pháp để thiết lập trạng thái bình thường mới như thế nào, tránh tình trạng khi "ông này thì đóng, ông kia thì mở" vẫn là ngăn sông cấm chợ…
Bà Nguyễn Thị Thanh - trưởng ban Công tác đại biểu - cho rằng cần cân nhắc sử dụng từ "bào mòn", đánh giá khách quan nhưng làm sao để người dân có niềm tin cơ quan nhà nước giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Với các kiến nghị cử tri, bà Thanh cho rằng cần phân loại, phân tích kỹ hơn số % trả lời của bộ ngành địa phương để xem đáp ứng được yêu cầu của người dân hay chưa, bởi thực tế tỉ lệ trả lời ý kiến đạt được rất thấp.
Ông Trần Quang Phương - phó chủ tịch Quốc hội - đề nghị Mặt trần Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan để tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của người dân, rút kinh nghiệm về cách làm, đúng quy định pháp luật và quy chế phối hợp.
Theo N.An/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cu-tri-mong-cac-cap-nghiem-tuc-nhin-vao-su-that-rut-kinh-nghiem-khi-chi-dao-thieu-thong-nhat-20211011101528984.htm